Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là hình mẫu về thu hút đầu tư
Việt Nam vẫn được các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá là một hình mẫu về việc thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp hiện nay.
Dù kinh tế thế giới vẫn đang có bất ổn, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quý 1 năm nay vẫn ước tính đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 5 năm qua.
Mô tả về môi trường đầu tư Việt Nam, nhiều bài báo quốc tế đã sử dụng những từ như: "Nơi giữ chân các nhà đầu tư", "một trong những thị trường nóng nhất" hay "nơi trú ẩn an toàn" của các nhà đầu tư.
Trang CNBC đã đưa nhận định của các nhà phân tích đến từ Goldman Sachs và JPMorgan Chase Asset Management cho rằng 3 thị trường nóng nhất tại Đông Nam Á là Singapore, Indonesia và Việt Nam.
"Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong suốt thời kỳ đại dịch", ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, đánh giá.
Cũng vào đầu tháng 4, hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ đã đăng tải bài viết: "Chứng khoán Việt Nam dần trở thành chỗ trú ẩn cho nhà đầu tư". Bài báo đã phân tích rằng: "tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ việc mở cửa thương mại và du lịch trở lại, tăng trưởng kinh tế tích cực và tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp"
Đề cập đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, trang WangYi của Trung Quốc đưa bài viết với tiêu đề: "Việt Nam "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài".
Bài báo phân tích thêm: "Trong quý đầu tiên của năm nay, các quỹ đầu tư tăng vốn và tham gia cổ phần tăng đáng kể, đặc biệt, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,42 tỷ USD, cao kỷ lục trong vòng 5 năm, điều này chứng tỏ Việt Nam đang "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả".
Còn trang The Phnom Penh Post của Campuchia mới đây đã có bài phân tích với tiêu đề "Triển vọng tích cực cho M&A bất động sản Việt Nam năm 2022", trong đó đưa ra dẫn chứng từ nhận định của tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills: "Hoạt động mua bán và sáp nhập bất động sản được kỳ vọng sẽ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào vào Việt Nam trong năm nay, với hoạt động mua bán và sáp nhập dự kiến sẽ gia tăng về tần suất và giá trị".
"Thị trường nội địa rộng lớn của Việt Nam với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 9,2% trong năm tới là thỏi nam châm thu hút đầu tư từ Singapore. Năm 2022 là thời điểm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực. Hơn nữa, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của Việt Nam tiếp tục được thực hiện theo lộ trình, tạo tiền đề cho sự trở lại đầy hứa hẹn trong năm tới", ông Benjamin Lam, Giám đốc điều hành Dự án các Khu công nghiệp, Tập đoàn VSIP, nhận định.
Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng nhiều báo chí và các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam.