Chuyên gia quốc tế chỉ ra yếu tố sẽ giúp thu nhập thực tế từ thương mại của Việt Nam tăng thêm 5% vào 2035

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 13:30:09

Báo cáo mới nhất của HSBC chỉ ra rằng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể sẽ mang lại cú hích năng suất lớn nhất cho các nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.


Báo cáo mới nhất của HSBC với tiêu đề "Thực thi RCEP: Nhìn lại quá trình thực thi trong bối cảnh thách thức thương mại" cho biết, từ những tắc nghẽn kéo dài trong chuỗi cung ứng cho đến việc nền kinh tế toàn cầu đi xuống, thương mại đang gặp khó trên khắp châu Á. Tuy nhiên, điểm tích cực dài hạn chính là thương mại khu vực đang khởi sắc. Phần lớn là nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã khởi động vào đầu năm nay với sự tham gia của 15 nền kinh tế thành viên (10 nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Australia và New Zealand), và sắp tới sẽ có thêm nhiều thành viên mới.

Lợi thế trực tiếp lớn nhất của việc tham gia RCEP là thuế quan đối với hơn 90% hàng hóa sẽ được loại bỏ, trong khi các quy tắc xuất xứ hàng hóa mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm nguồn cung ứng đầu vào từ trong khối. Ngoài ra, chương trình toàn diện này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

"Điều quan trọng là tại thời điểm lạm phát tăng nhanh như hiện nay, các ưu đãi thuế quan sẽ giúp các nhà sản xuất tại các thị trường RCEP có được nguồn cung đầu vào với chi phí thấp hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ. Do đó, hiệp định cũng sẽ là chìa khóa để thúc đẩy dòng vốn FDI vào khu vực, cho dù từ các nền kinh tế thành viên hay từ bên ngoài", HSBC nhấn mạnh.

Báo cáo của HSBC đánh giá, tác động đối với xuất khẩu của các thành viên ASEAN trước và sau khi ký kết hiệp định có thể không nổi bật như các thị trường phát triển. Bởi lẽ các hiệp định thương mại tự do của ASEAN đã có từ trước với những thành viên RCEP cũng đã xóa bỏ thuế quan áp đặt trên 86% đến 90% hàng hóa. Nhìn chung, các nước RCEP sẽ đóng góp đến 30% sản lượng xuất khẩu toàn cầu vào năm 2030.

Điều quan trọng là RCEP không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, mà còn có những ảnh hưởng tích cực gián tiếp khác đến thu nhập của một quốc gia, nhờ vào chiều sâu của hiệp định. Cụ thể, báo cáo cho biết, hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong khối RCEP, và cũng có thể thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ các công ty có trụ sở bên ngoài khu vực muốn tận dụng hiệp định này.

"RCEP vượt xa các hiệp định thương mại tự do ASEAN hiện nay về mặt cơ hội đầu tư. Trước khi có hiệp định này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đã là những nhà đầu tư hàng đầu tại một số nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, mở rộng các thị trường ASEAN hơn nữa sẽ thu hút thêm đầu tư vào công nghệ sản xuất mới, giúp thúc đẩy năng suất lao động hơn", báo cáo cho hay.

Báo cáo cho rằng, hiệp định RCEP sẽ giúp tự do hóa thương mại tạo ra một cú hích năng suất cho châu Á và thúc đẩy nhiều dòng vốn FDI hơn. Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy, dự kiến vào năm 2035, chỉ riêng "những cú hích" năng suất có thể tăng thu nhập thực tế từ thương mại thêm 5% ở các nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Chi phí nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sẽ giảm, nhờ thế sẽ đẩy mạnh sản xuất địa phương. Do đó, các chuyên gia của HSBC kỳ vọng sẽ có sự thay đổi trong tính cạnh tranh giữa các lĩnh vực khác nhau và nguồn lực và vốn sẽ được dùng cho ngành có tính cạnh tranh cao nhất.

Thêm nữa, theo HSBC, việc dỡ bỏ các rào cản với đầu tư nước ngoài có thể thúc đẩy sự phân bổ nguồn lực và công nghệ tốt hơn. Kết quả là điều này sẽ tạo nên một "cú hích" năng suất ở nhiều lĩnh vực, trong khi đẩy mạnh sự chuyển dịch nguồn lực khỏi những ngành không còn tính cạnh tranh nữa.

Ví dụ, ở Việt Nam, lĩnh vực đồ da và quần áo được mong đợi sẽ mở rộng thêm 14,7% vào năm 2035. Ngoài ra, hai lĩnh vực khác gồm thiết bị điện, máy móc và được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm 12,1% và 9% vào năm 2035.

Nhìn chung, các chuyên gia HSBC nhận định, RCEP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khu vực. Thị phần thương mại của các thành viên RCEP đã tăng trong nhiều năm qua. Chúng tôi kỳ vọng sự gia nhập của Hồng Kông sẽ thúc đẩy hơn nữa thu nhập thực tế tại các nền kinh tế châu Á. Tổng hợp GDP thực tế của các nền kinh tế đã tham gia hiệp định, dự kiến vào năm 2030, không tính đến cú hích năng suất tiềm năng do RCEP tạo nên, chúng tôi kỳ vọng tỷ trọng GDP toàn cầu của các thị trường thành viên RCEP sẽ đạt 32,9%, tăng từ mức 31,7% của năm 2021.

Chia sẻ Facebook