Chuyên gia Pinetree nhận định về 3 dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm 2023

Chia sẻ Facebook
12/01/2023 02:33:07

Dòng tiền rút khỏi thị trường trong nửa cuối năm 2022 đã khiến chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Sang năm 2023, các dòng tiền trên sàn chứng khoán sẽ vận động thế nào?

Chuyên gia Pinetree nhận định về 3 dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm 2023

Dòng tiền là câu chuyện chủ đạo của thị trường chứng khoán trong 3 năm gần đây. Năm 2020 - 2021, lượng tiền lớn từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường đã tạo nên cơn sóng khổng lồ trên sàn chứng khoán. Nhưng dòng tiền này đã rút ra sau biến cố của năm 2022. Dòng tiền rút khỏi thị trường trong nửa cuối năm 2022 khiến chứng khoán gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích Danh mục Công ty Chứng khoán Pinetree đã chỉ ra nguyên nhân khiến dòng tiền rút khỏi chứng khoán.

Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích Danh mục Công ty Chứng khoán Pinetree

Tiền đã đi đâu?

Theo ông Thành, năm 2021, lượng tài khoản mở mới rất lớn, nhiều tháng liền phá kỷ lục với mức mở mới trên 200,000 tài khoản. Đến tháng 10, 11 năm 2022, số lượng tài khoản mở mới là dưới 100,000. Dù thị trường được đánh giá hấp dẫn trong dài hạn, dữ liệu cho thấy nhà đầu tư có vẻ đã bớt hứng thú hơn với thị trường.

Từ góc độ vĩ mô, thị trường chứng khoán đã trải qua khá nhiều biến động trong 6 tháng cuối năm 2022, chênh lệch huy động và tín dụng xuất hiện, tiếp đó tỷ giá tăng, lãi suất cũng tăng, nhiều doanh nghiệp trước đây sử dụng kênh trái phiếu như một nguồn huy động vốn hoạt động quan trọng thì nay dừng lại, một số khác thì chủ động mua lại trái phiếu trước hạn.

Tất cả các yếu tố trên, một mặt khiến thị trường cổ phiếu bớt hấp dẫn so với kênh khác như gửi tiết kiệm ngân hàng…; mặt khác tạo áp lực khiến dòng tiền rút khỏi thị trường và kết quả là thanh khoản suy giảm từ những phiên 30 ngàn tỷ đồng của năm 2021 xuống quanh mốc 10 ngàn tỷ đồng/phiên.

3 dòng tiền chính trong năm 2023

Ông Nguyễn Duy Thành dự báo về tác động của 3 dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong năm 2023.


Đầu tiên là dòng tiền cá nhân . Đặc điểm của dòng tiền cá nhân, cụ thể là cá nhân trong nước, có tính linh hoạt cao. Trong giai đoạn 2020-2021, dòng tiền này tích cực chảy từ các kênh sản xuất, kinh doanh vào thị trường tài chính. Đến 2022, khi thị trường không thuận lợi, nhóm này cũng rút đi rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đầu tháng 11.

Vì thế, khi môi trường vĩ mô ít biến động hơn, tỷ giá ổn định, lãi suất ngừng tăng, xuất hiện những doanh nghiệp tồn tại qua khó khăn, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị phần và trở nên hấp dẫn; dòng tiền này sẽ một lần nữa được kích hoạt.

Ông Thành nhấn mạnh rằng, có nhiều yếu tố tác động lên vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh; do đó, nhà đầu tư nên chủ động theo đánh giá của mình vì giai đoạn đồng thuận mua, đồng thuận bán đã qua rồi; thị trường năm tới sẽ phân hóa.


Đối với dòng tiền ngoại , suốt giai đoạn 2021, khối ngoại bán rất nhiều nhưng thị trường liên tục lập đỉnh mới; do đó, ông Thành cho rằng không nên lấy giao dịch khối ngoại làm yếu tố dẫn dắt thị trường.

Việt Nam hiện tại vẫn là một điểm đầu tư tốt trong mắt nhà đầu tư ngoại. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn huy động thành công vốn vay quốc tế. Khối ngoại mua ròng gần đây, vốn FDI năm nay cũng đang cao hơn năm trước. Vì thế, có thể kỳ vọng dòng tiền ngoại năm 2023 sẽ vẫn tiếp tục mua ròng.


Một dòng tiền khác được kỳ vọng nhiều trong những năm gần đây là vốn đầu tư công . Vị chuyên gia của Pinetree đánh giá đầu tư công luôn luôn có tác động tích cực lên kinh tế nói chung, nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu cơ bản nói riêng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công tính từ 2017 đến 2022 luôn chưa đạt kế hoạch, dao động từ 67% đến 82%; bên cạnh đó, thông tin này cũng không hẳn mới mà trước đó đã nhiều lần phản ánh vào kì vọng thị trường.

Đầu tư công là tốt cho nền kinh tế, nhưng với thị trường thì yếu tố tích cực này sẽ được phản ánh trong dài hạn.

Nhóm ngành nào sẽ tích cực?

Năm 2023, ông Thành nhận định nhóm ngành năng lượng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực. Trong nhóm này, một số doanh nghiệp đã đi qua giai đoạn trả nợ và bước đến giai đoạn tích lũy tài chính. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế, du lịch phục hồi tích cực cũng sẽ đưa nhu cầu điện tăng trưởng trở lại, tăng sản lượng cho một số doanh nghiệp sản xuất điện.

Nhóm ngành xuất khẩu, dù đang gặp khó khăn do lượng đơn hàng thấp, nhưng có nhiều thuận lợi như giá nguyên liệu đầu vào đã và đang giảm (ví dụ: hạt nhựa, sợi), giá cước vận tải, chi phí logistics cũng giảm liên tục từ đầu năm. Chỉ cần nhu cầu ổn định lại, nhóm này cũng có nhiều cơ hội.

Chí Kiên

Chia sẻ Facebook