Chuyên gia: Phát triển khu công nghiệp phải gắn với phát triển xanh

Chia sẻ Facebook
14/07/2023 01:56:56

Để thị trường bất động sản phát triển xanh, bền vững, cần sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng tiêu chuẩn xanh mới.


Nguồn cung nhà ở bị hạn chế


Tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" sáng 13/7, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy ba chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế.

Đồng thời, đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện rõ rệt uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Trong đó, việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe ... đã tăng lên rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như bất động sản nhà ở.

Ngoài ra, một số dự án bất động sản đã có xu hướng tích hợp được các tiêu chí xanh, công năng xanh vào chu trình phát triển và vận hành.

Ông Joseph Low - Chủ tịch Bộ phận Bất động sản Tập đoàn Keppel tại Việt Nam.

Liên quan đến công trình xanh, ông Joseph Low - Chủ tịch Bộ phận Bất động sản Tập đoàn Keppel tại Việt Nam chia sẻ quan điểm “mục tiêu phát triển thị trường bất động sản xanh là bền vững”.

Theo kinh nghiệm cá nhân, đại diện của Keppel Việt Nam cho rằng nếu chưa thể có một hệ thống hạ tầng mới, đồng bộ thì có thể cải tạo các sản phẩm cũ theo tiêu chí mới hiện có để hướng tới phát triển bền vững, đưa ra mục tiêu để cải tiến thiết bị năng lượng ít tiêu thụ năng lượng hơn.

Ông Joseph Low cho rằng, để làm được điều đó thì sự hỗ trợ quyết liệt từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, từ đó phối hợp đưa ra tiêu chuẩn mới, bền vững đúng tiêu chí công trình xanh.

Theo ông Joseph Low nhận định bước tiếp theo trong hành trình hướng tới một ngành bất động sản bền vững cho Việt Nam là giải quyết đủ nhu cầu thị trường, xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, hiện nay nguồn cung nhà ở tại Việt Nam bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng và phức tạp.

“Nếu không giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam”, đại diện Tập đoàn Keppel chia sẻ.


3 nhóm tiêu chí với doanh nghiệp trong KCN

Chia sẻ các vấn đề về định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) xanh, đảm bảo hệ sinh thái đồng bộ cho người lao động, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ thực hiện sáng kiến mô hình KCN sinh thái từ năm 2014.

Những quy định về KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ cũng được Chính phủ đưa vào Nghị định 83/2018 và hiện đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 35.

Theo đó, Chính phủ định hướng phát triển KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ là KCN mới gắn với phát triển xanh. Những sáng kiến KCN sinh thái, Chính phủ quy định rõ cơ chế chính sách cũng như định hướng hỗ trợ phát triển KCN sinh thái.

"Các KCN sẽ được ưu đãi về tài chính, đất đai, tiếp cận nguồn vốn, tiếp xúc đầu tư..., những nội dung này Bộ KH&ĐT đang xây dựng. Các KCN sinh thái mới đề xuất chủ trường đầu tư hạ tầng KCN thì không phải áp dụng tỉ lệ lấp đầy 60%. Đây là điểm cộng cho các địa phương muốn phát triển theo mô hình mới”, bà Hiếu nêu ví dụ.

Đối với KCN đô thị dịch vụ, xuất phát từ mô hình gắn với tiện nghi, tiện ích thì Chính phủ cũng theo hướng đồng bộ, gắn với phát triển xanh, KCN thông minh.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

Bà Vương Thị Minh Hiếu phân tích có 3 nhóm tiêu chí đối với doanh nghiệp trong KCN. Trong đó, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN phải đáp ứng quy định pháp luật, xây dựng cơ chế giám sát đầu ra đầu vào, kết nối doanh nghiệp trong KCN để tái sử dụng tài nguyên.

Doanh nghiệp sản xuất trong KCN thì phải hình thành một mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp sản xuất. Hiệu quả kinh tế môi trường được đánh giá độc lập bởi cơ quan chức năng địa phương và Trung ương giám sát, theo dõi.

Bà Hiếu cũng cho biết thêm, dù nhận được sự quan tâm kịp thời của Chính phủ nhưng sau khi Nghị định 35 được ban hành cũng có những vướng mắc trong các quy định khác.

Vì vậy Vụ Quản lý các khu kinh tế đề xuất trong quá trình Bộ Xây dựng xây dựng Luật Nhà ở nên bổ sung đối tượng thụ hưởng nhà ở là công nhân, người lao động, chuyên gia; doanh nghiệp phát triển KCN, các đối tượng được xem xét, có chính sách riêng để cho doanh nghiệp phát triển cả hạ tầng và khu nhà ở cho người lao động, tạo điều kiện cho họ mua, thuê mua nhà ở cho người lao động.

Trước ý kiến của đại diện Bộ KH&ĐT, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá đây là những đề xuất phù hợp, phía Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu và nghiên cứu.


“Đây là giai đoạn gấp rút, sẽ có sự điều chỉnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo, các Ủy ban Quốc hội sẽ nghiên cứu xem xét để tiếp thu, hoàn thiện Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phù hợp”, ông Dũng nói .

Chia sẻ Facebook