Chuyên gia phân tích lý do dịch tay chân miệng lan nhanh ở phía Nam
Số liệu thống kê tại 20 tỉnh thành phía Nam của Viện Pasteur Tp.HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng 11.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Thông tin trên báo Tiền Phong , trước tình hình số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ đang gia tăng nhanh ở các tỉnh thành phía Nam và có nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, ngày 23/6, tại Tp.HCM, lãnh đạo Bộ Y tế đã họp khẩn trực tuyến với các địa phương để lên phương án ngăn chặn dịch.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 902 ca mắc TCM, đang tăng nhanh trong những tuần gần đây. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đáng chú ý tại địa phương này đã có 1 ca tử vong vì TCM.
Tại Đồng Nai, tình hình dịch TCM cũng diễn biến phức tạp. Sở Y tế tỉnh này cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 1.694 trường hợp mắc TCM. Riêng từ cuối tháng 5/2023 đến nay, số ca mắc bắt đầu tăng cao, mỗi tuần ghi nhận khoảng 200 đến 300 ca nhập viện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 106 ổ dịch TCM.
Tại tỉnh An Giang, thông tin từ CDC cho biết, khoảng một tháng qua, bệnh TCM đã tăng nhanh với 90 ca mắc mới mỗi tuần, hiện số ca mắc mới đã vượt ngưỡng dự báo dịch. Tổng số ca bệnh được ghi nhận từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh là hơn 600 trường hợp. Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc (An Giang) vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong, đó là trẻ từ Đồng Tháp chuyển sang.
Tại Tp.HCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 3.000 trường hợp. Tp.HCM chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh TCM nhưng tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 4 ca tử vong mà bệnh nhân là người từ các tỉnh khác chuyển đến. Hiện nay, còn nhiều trẻ bệnh nặng phải thở máy đang được điều trị tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM, số ca mắc mới đang tăng rất nhanh, chỉ tính riêng trong tuần thứ 24, các tỉnh ở khu vực phía Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca (tăng hơn 23% so với tuần trước). Như vậy, đến nay đã có 7 trường hợp tử vong vì TCM, trong đó có 5 ca do chủng virus EV71 gây ra.
Theo báo Lao Động , hoạt động giám sát từ phòng xét nghiệm cũng đã phát hiện tỉ lệ virus EV71 đang dần chiếm tỉ trọng ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng. Virus EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, sau gần 2 năm không phát hiện, đây là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, với tỉ lệ bệnh nặng cao và tử vong nhanh hơn so với các tác nhân khác. Dự báo có thể chủng virus EV71 sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới.
Các giám sát vi sinh học phân tử hiện nay cho thấy, chủng virus EV71 gây bệnh tay chân miệng hiện nay tại miền Nam là subgenotype B5, đây cũng là nhóm tác nhân cùng với subgenotype C4 gây bệnh cảnh tay chân miệng nặng tại miền Nam từ năm 2011 đến nay. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự thay đổi về độc lực gây bệnh của virus.
Trao đổi với báo Lao Động , BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội bệnh truyền nhiễm Tp.HCM cho biết, sau đại dịch đã xuất hiện khái niệm "trả nợ miễn dịch”, bằng chứng là nhiều bệnh lý khác như virus Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều khiến số ca mắc tăng nhiều.
Nguyên nhân là trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 khiến trẻ phải ở trong nhà lâu nên khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên kém đi. Sau dịch Covid-19, trẻ sinh hoạt cộng đồng bình thường tăng nguy cơ trẻ trả nợ miễn dịch rất lớn.
Theo chuyên gia này, trước đây, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Điều này có nghĩa, dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại.
Ngoài ra, theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không triệu chứng. "Đây là nguồn lây rất nguy hiểm cho trẻ em nhưng chúng ta không hề biết. Vấn đề phòng chống dịch bệnh TCM không còn chỉ khu trú trong nhóm đối tượng là trẻ em hoặc bảo mẫu hay nhà trẻ, trường học nữa rồi” , TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nói.
Trong khi dịch diễn biến phức tạp thì ngành y tế các địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn về thuốc, hóa chất phòng chống dịch. Bên cạnh chủng vi rút gây bệnh EV71 có khả năng gây ra dịch trên diện rộng, tình trạng thiếu một số loại thuốc trong điều trị bệnh TCM được đại diện sở y tế các tỉnh nhận định là nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh TCM chuyển biến nặng có xu hướng gia tăng.
Mặt khác, hóa chất phục vụ chống dịch tại các địa phương cũng đã cạn kiệt. Sở Y tế Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 300 lít hóa chất. Nếu phải sử dụng để xử lý dịch trong thời gian tới thì lượng hóa chất trên không đủ đáp ứng.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và các tỉnh đều đề nghị Viện Pasteur Tp.HCM và Cục Y tế Dự phòng cần chủ động dự trữ hóa chất để hỗ trợ các tỉnh chống dịch trong bối cảnh việc mua sắm hóa chất, thuốc phục vụ phòng chống dịch phải thực hiện theo đúng quy trình, tốn nhiều thời gian.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện tất cả các khoản chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên. Đề nghị các địa phương chủ động trong dự trù cơ số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất... Đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch. Theo bà Hương, hiện đã có công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2023, vắc-xin này được cấp phép.
Theo báo Quân đội nhân dân , tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế và các vụ, cục, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng kịp thời, dự phòng bệnh tật, các địa phương phải khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó bảo đảm "4 tại chỗ". Các địa phương khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai hoạt động phòng, chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết một cách chủ động; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám, chữa bệnh; tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; phát hiện sớm dịch bệnh, thực hiện truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.
Minh Hoa (t/h)