Chuyên gia nói gì sau khi VN-Index mất gần 70 điểm sau ba phiên giao dịch?

Chia sẻ Facebook
13/04/2022 01:13:17

Như vậy, sau ba phiên liên tiếp bán mạnh chỉ số giảm tới gần 70 điểm và là chuỗi phiên giảm sốc nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.


Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kết thúc trong tâm lý giao dịch nặng nề của nhà đầu tư. Lực bán dâng cao vào cuối phiên đã đẩy chỉ số giảm gần 27 điểm xuống mốc thấp nhất trong phiên. Số mã giảm điểm trên cả 3 sàn trong phiên lên tới 856 mã, bao gồm 100 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với con số 205 mã tăng trên toàn thị trường. Như vậy, sau chuỗi bán mạnh trong 3 phiên liên tiếp, chỉ số giảm tới gần 70 điểm và là chuỗi phiên giảm sốc nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.

Hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều giảm sâu như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng, Dầu khí, Thép…Trong đó, hàng loạt cổ phiếu ngành Bất động sản, Xây dựng đóng cửa giảm sàn như CTD, DIG, DXG, HAR, HDC, NBB, OGC, QCG, SCR…Tương tự, loạt cổ phiếu Dầu khí cũng đóng cửa giảm sàn như PVB, PVC, PVD, PXS, PVS…

Bàn về đà giảm sâu của thị trường trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng từ những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, thị trường Mỹ đang có chiều hướng xấu về lo ngại lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10Y đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này gây ra nỗi lo lắng cho không ít nhà đầu tư bởi lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua cổ phiếu. Bên cạnh đó, những lo ngại về cuộc họp tháng 5, FED có thể tăng mạnh lãi suất vẫn luôn thường trực. Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm những thông tin tiêu cực trên khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề.

Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ những vụ việc xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. Bởi trạng thái giảm hàng loạt với biên độ lớn như vậy chỉ có thể là do hành động của đám đông. Những tin đồn bủa vây thị trường khiến nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh. Nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ đã xuất hiện trạng thái call margin. Điều này dẫn đến hiệu ứng "domino" bán tháo mạnh trên toàn thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Song song đó, vị chuyên gia cho rằng tuy chỉ số giảm mạnh nhưng thanh khoản thị trường vẫn khá thấp với giá trị giao dịch 3 sàn chỉ đạt hơn 25.000 tỷ đồng.

"Tổng thể chung, tâm lý nhà đầu tư đang hoang mang cộng thêm dòng tiền yếu khiến sự phân hoá các nhóm cổ phiếu diễn ra mạnh mẽ. Với mức thanh khoản thấp như phiên hôm nay, thị trường khả năng cao vẫn chưa dứt được đà giảm trong vài phiên tới", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.


Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng nhận định việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh vượt hẳn 2,5% kèm theo sự đảo ngược đường cong diễn ra trước đó, diễn biến này ảnh hưởng đến toàn bộ các loại tài sản trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác, diễn biến thị trường trong nước tiếp tục xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán khiến tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng.

Theo đó, cấu trúc thị trường nhìn chung không mấy tích cực, ngay cả trong những phiên tăng độ rộng thị trường đều rất tiêu cực, số mã giảm áp đảo số lượng mã tăng và đa phần các cổ phiếu trên thị trường mất đi xu hướng tăng ngắn hạn.

Nhìn vào những diễn biến của thị trường càng có thể khẳng định thêm dòng tiền năm nay không "khoẻ". Bởi thông thường trên thế giới hay ở Việt Nam, quãng thời gian này – mùa KQKD và ĐHCĐ, mùa "Earnings season" là mùa dễ để kiếm tiền trên thị trường, nhưng thị trường vẫn không có nhiều cải thiện trên phạm vi toàn cầu, đây là tín hiệu không mấy tích cực. Như vậy từ đầu năm đến giờ, thị trường đã bỏ qua 2 cơ hội để bứt phá tốt là sau Tết Nguyên Đán và Đầu mùa KQKD (đầu tháng Tư vừa qua).

"Do đó, tôi cho rằng đến hết quý 2, khó có cơ hội nào quá tốt nữa, ngoại trừ quá trình nâng hạng có diễn biến mới – việc này khó xảy ra. Với dòng tiền yếu đi như vậy, cần đánh giá thường xuyên các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường để cập nhật các kịch bản, trong đó 3 yếu tố anh quan tâm nhất là (1) lạm phát trong nước (2) FED và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (3) Diễn biến xung đột tại Ukraine", vị chuyên gia nêu nhận định.

Chia sẻ Facebook