Chuyên gia nhận định bất ngờ về thị trường bất động sản cuối năm
Chuyên gia cho rằng, trong trường hợp có nguồn vốn tăng đột biến, ngân hàng xem xét mở rộng tín dụng, đầu tư công 6 tháng cuối năm được giải ngân đúng kế hoạch, thì thị trường sẽ bùng nổ, tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, đây là kịch bản rất khó xảy ra.
Thị trường bất động sản đang ổn định
So với cùng kỳ năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra tương đối trầm lắng, dù thi thoảng vẫn xuất hiện các đợt “sốt” đất, nhưng chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ, không đáng kể.
Đánh giá về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Thị trường bất động sản đang phát triển ổn định hơn so với cùng kỳ, nhưng các phân khúc, thị trường đang có sự phân mảnh, phát triển không đều.
Phân tích rõ hơn ở từng phân khúc, PGS.TS Trần Kim Chung cho hay: “Có thể thấy rằng, trong 6 tháng qua, đất khu vực mới lên đô thị vẫn đang là “tâm điểm” của giới đầu tư. Giá đất vẫn trong xu hướng tăng, tuy nhiên không còn “sốt” nóng như năm ngoái. Trong khi đó, tại các thị trường bất động sản mới lại lại có xu hướng ngược lại, thị trường trầm lắng, ít giao dịch”.
Với phân khúc nhà ở, theo ông Chung, phân khúc căn hộ vẫn khan hiếm nguồn cung, giá vẫn tăng, nhưng ít, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp. Điều này xảy ra tương tự với dòng nhà ở cao cấp, nhà phố, giao dịch không nhiều, giá trị lớn nên giá không tăng.
Với bất động sản công nghiệp, ông Chung cho rằng, đây vẫn là điểm sáng của thị trường. Tuy nhiên, tại một số địa phương, các khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp tục mở rộng do yêu cầu phải có tỷ lệ lấp đầy tối thiểu ở các khu công nghiệp cũ.
Với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có diễn biến trái chiều. Với dòng sản phẩm biệt thự biển, các căn hộ condotel đang ở giai đoạn thoái trào, bất chấp du lịch đã được phục hồi. Trong khi đó, do sức ép thu hồi vốn, phân mảng khách sạn, nhà hàng trong các thành phố đang có nhu cầu rao bán “cắt lỗ”.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, ngay cả trong thị trường tài sản tài chính bất động sản cũng đang hết sức khó khăn. Trong đó, thị trường trái phiếu bất động sản đang đang dùng dằng không rõ xu thế. Một mặt, nhu cầu thị trường vẫn có nhưng do tác động tâm lý và chính sách rà soát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nên thị trường phát triển khá chậm, nhà đầu tư đang dừng ở bước nghe nóng.
Tương tự, phân mảng thị trường cổ phiếu bất động đang chững lại do giá trị cổ phiếu đang đi xuống. “Có thể thấy, sáu tháng đầu năm 2022, nhóm bất động sản giá trị cao đang có những hoạt động sôi động trong khi các phân khúc khác diễn biến khá trầm lắng, và vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Điểm sáng đáng kể là thị trường đất công nghiệp và dịch vụ logistic”, ông Chung nói.
Kịch bản của thị trường bất động sản cuối năm
Trước những diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2022, PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2022. Đầu tiên, với phương án ổn định. Giả định, tình hình kinh tế thế giới diễn biến như hiện nay, không có sự kiện đặc biệt nào xuất hiện. Kinh tế trong nước phục hồi ổn định, thì thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định.
Cuối cùng, với kịch bản thứ 3, thị trường bất động sản suy giảm nếu tình hình thế giới vẫn có chiều hướng tiêu cực, hoặc kinh tế vĩ mô không chuyển biến tích cực. Ông Chung nhấn mạnh: Các chính sách như lạm phát tăng, đầu tư công không giải ngân đúng tiến độ, ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, thị trường trái phiếu lắng đọng cũng sẽ khiến thị trường bất động sản suy thoái.
PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 cùng với những động thái tích cực về thể chế, mặc dù vẫn còn rất nhiều những diễn biến không chắc chắn nhưng khả năng thị trường bất động sản có bước phát triển tốt trong 6 tháng cuối năm 2022. Chỉ khi những điều bất ngờ nằm ngoài dự đoán xuất hiện hoặc những yếu tố tích cực cũng nằm ngoài dự đoán, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2022 mới xuất hiện tình huống khác.