Chuyên gia Nga đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, chuyên trang phân tích chính trị của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài của tác giả Valeria Vershinina, chuyên gia Việt Nam học đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga, đánh giá cao vai trò và tiềm năng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nga.
Bài viết khẳng định Việt Nam được giới học giả quốc tế đánh giá là “cường quốc tầm trung” và cần phải lắng nghe ý kiến của “con hổ châu Á” này trong các vấn đề quốc tế. Chuyên gia Vershinina đánh giá cao tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam bất chấp những sóng gió của kinh tế thế giới.
Theo tác giả, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia vẫn duy trì được hoạt động kinh tế đối ngoại và động lực tăng trưởng tích cực kể cả trong điều kiện đại dịch toàn cầu và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Theo nhiều dự báo, năm 2022, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể dao động từ 5,5% đến 6,7%, qua đó cho thấy sự ổn định của mô hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Với một nền kinh tế mở, Việt Nam chủ động xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới (đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê và gạo), thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (năm 2021, tổng FDI lên tới 31,15 tỷ USD) và hiện đã tham gia 17 hiệp định thương mại.
Về chính sách đối ngoại, chuyên gia Vershinina nhấn mạnh những thành tựu đáng kể của Việt Nam thời gian gần đây như đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (năm 2019). Đáng chú ý, bất chấp khó khăn do đại dịch, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN, mở rộng đáng kể chương trình nghị sự của hiệp hội này và hoàn tất đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Việt Nam đã khởi động một loạt hoạt động với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 4/2021.
Về quan hệ song phương, tác giả bài viết khẳng định quan hệ Nga-Việt có lịch sử phát triển phong phú và lâu đời, vị thế “đối tác chiến lược toàn diện” phần lớn phản ánh bản chất nhiều mặt của hợp tác song phương và mức độ tin cậy cao giữa hai nhà nước.