Chuyên gia Nga chỉ rõ nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng “mini” trong ngành ngân hàng Mỹ

Chia sẻ Facebook
16/03/2023 13:54:28

Nga, quốc gia đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề từ phương Tây, được cho là sẽ không gặp phải bất kỳ tác động trực tiếp nào từ vụ SVB sụp đổ.

Tác động của vụ sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ gần đây đã lan tỏa tới nhiều ngõ ngách, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu.

Vụ sụp đổ của SVB diễn ra một cách “kinh điển” hôm 10/3, với việc người gửi tiền – bao gồm các doanh nghiệp startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm – đã ồ ạt rút tới 42 tỷ USD (gần 1/4 tổng số tiền gửi tại nhà băng này) chỉ trong một ngày, khiến ngân hàng mất thanh khoản và bị các cơ quan quản lý đóng cửa. Chỉ 2 ngày sau, ngày 12/3, các cơ quan quản lý của Mỹ tiếp tục đóng cửa Signature Bank, một ngân hàng có gần 1/4 số tiền gửi đến từ lĩnh vực tiền điện tử.


“Các biện pháp trừng phạt của phương Tây phần lớn đã cắt đứt hệ thống tài chính và nền kinh tế của Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây. Đó là lý do tại sao , không giống như cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, tình hình hiện tại sẽ không có bất kỳ tác động trực tiếp nào, khi hầu hết các ngân hàng Nga không còn kết nối với các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu”, nhà phân tích trưởng Mikhail Vasilyev của Sovcombank cho biết trên tờ báo Nga Rossiyskaya Gazeta hôm 15/3.


Sovcombank là ngân hàng lớn thứ 9 ở Nga, và nằm trong số những ngân hàng đầu tiên bị liên minh châu Âu (EU) loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, theo sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine.

Nhà phân tích trưởng Mikhail Vasilyev của Sovcombank – ngân hàng lớn thứ 9 ở Nga. Ảnh: BK

Gọi những vụ sụp đổ tài chính gần đây của SVB và Signature Bank là cuộc khủng hoảng “mini” trong ngành ngân hàng Mỹ, vị chuyên gia Nga cho rằng nó đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, dẫn đến việc điều chỉnh đáng kể dự báo về lãi suất của các ngân hàng trung ương hàng đầu. Theo ông, chính chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong 40 năm qua đã góp phần lớn nhất vào cuộc khủng hoảng “mini” này.

“Chúng tôi cho rằng tình hình ở Mỹ và các hệ thống tài chính toàn cầu sẽ xấu đi hơn nữa”, ông Vasilyev nhận định. “Lãi suất cơ bản càng tăng cao và duy trì ở mức cao nhất càng lâu, thì nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu càng lớn”.


Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ làm giảm giá hàng hóa và tiêu dùng. Thông qua lĩnh vực hàng hóa, cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn của phương Tây sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế Nga và các nhà đầu tư Nga, ông Vasilyev cho biết. Cuộc khủng hoảng rất có thể sẽ dẫn đến sự suy yếu cục bộ của đồng USD và đồng Euro và khiến đồng Rúp mạnh lên .


Minh Đức (Theo TASS, Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ Facebook