Chuyên gia Mỹ: Trẻ em từ 8 tuổi trở lên cần được kiểm tra về chứng lo âu
Khuyến cáo dựa trên kết quả khảo sát sau khi các bác sĩ và cha mẹ bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Đại dịch đã làm gia tăng các yếu tố gây căng thẳng mới cho trẻ em do tình trạng cách ly, sự gián đoạn của thói quen và sự không chắc chắn về tương lai. Một số trẻ, đặc biệt là những trẻ đã từng trải qua lo lắng khi quay trở lại lớp học sau nhiều tháng học trực tuyến đã thể hiện nỗi sợ hãi. Đó là thông tin vừa được tờ Tạp chí Phố Wall đưa ra tuần này dựa trên Báo cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Bài viết dẫn kết quả khảo sát của CDC đối với hơn 7.700 học sinh Mỹ cho thấy, hơn 1/3 học sinh trung học cho biết có sức khỏe tâm thần kém từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra đến tháng 6 năm 2021. Khoảng 44% cho biết có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng kéo dài trong vòng 12 tháng trước cuộc khảo sát này.
Trong báo cáo của CDC Mỹ về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong đại dịch cũng cho thấy, khoảng 20% học sinh trung học được khảo sát nói rằng các em đã nghiêm túc xem xét việc tự sát trong vòng 12 tháng trước khi diễn ra cuộc khảo sát này.
Tình trạng sức khỏe tâm thần ngày càng tồi tệ ở trẻ em hiện nay đã khiến một nhóm chuyên gia có ảnh hưởng của Mỹ lần đầu tiên khuyến cáo nên khám sàng lọc về chứng lo âu cho tất cả trẻ em từ 8 đến 18 tuổi.
Bài viết dẫn báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần trẻ em Mỹ cho thấy rối loạn lo âu ở trẻ em có liên quan mật thiết đến việc làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, lạm dụng chất gây nghiện và bao gồm cả ý định tự tử.
Theo bài viết, bên cạnh việc khám tại các cơ sở y tế, các bậc phụ huynh cũng có thể nhận diện được chứng lo âu ở con mình thông qua các dấu hiệu cơ bản như: ăn quá nhiều hoặc quá ít; ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường, sụt giảm kết quả học tập, thay đổi trong các mối quan hệ, dễ cáu gắt, hay tức giận, nhạy cảm với những lời chỉ trích, mất hứng thú với các hoạt động, thường xuyên đau đầu hoặc đau bụng, xa lánh những người xung quanh và chống lại việc đi học hoặc ngủ một mình…
Báo chí Mỹ dẫn ý kiến nhóm chuyên gia đặc biệt của CDC cho biết, hiện vẫn cần phải có thêm thời gian để khảo sát và nghiên cứu, song việc tầm soát chứng lo âu ở trẻ em từ 8 tuổi trở lên là yêu cầu cấp bách hiện nay, nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn những chặn hậu quả khó lường, nhất là nguy cơ tự tử, vốn là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong ở trẻ em Mỹ từ 10 đến 19 tuổi.