Chuyên gia "mách nước" phương pháp dạy con ở tuổi dậy thì
Nhiều gia đình rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi có con đang trong độ tuổi dậy thì vì càng ngày trẻ càng trở nên khó bảo, ương bướng và đua đòi.
Cha mẹ đau đầu vì các con ở tuổi dậy thì… nổi loạn
Có con đang ở trong độ tuổi dậy thì chị Lê Thị Quỳnh trú tại Cầu Giấy, Hà Nội tìm tới chuyên gia tâm lý để nhờ tháo gỡ cho câu chuyện nuôi dạy con gái của gia đình mình. Theo chị Quỳnh chia sẻ, con gái chị học lớp 11 và đang trong độ tuổi ẩm ương. Dù vợ chồng chị Quỳnh cố gắng làm tất cả cho con nhưng cô bé lại không bao giờ ghi nhận, thậm chí còn phán xét cha mẹ.
Xuất thân từ vùng quê nghèo ra Hà Nội lập nghiệp. Do có tuổi thơ không trọn vẹn nên chị Quỳnh lúc nào cũng ao ước có một gia đình hoàn chỉnh, được cha mẹ chiều chuộng như nhiều gia đình khác. Vậy nên khi kết hôn, chị Quỳnh sinh liền hai bé và cưng chiều con hết mực.
Hai vợ chồng chị chỉ làm viên chức, thu nhập không cao nhưng chị Quỳnh luôn cố gắng cho con đi học trường tư tốt, mua sắm cho con các thứ con thích bất kể đắt đỏ. Nhiều khi gia đình phải "thắt lưng buộc bụng" để con có chi phí ăn học tốt nhất.
Do thương con nên chị Quỳnh thường bảo với con rằng "Chỉ cần các con muốn, bố mẹ có phải đi nhặt đồng nát, bưng bê kiếm thu nhập cũng đồng ý". Có lẽ vì thế, các con của chị nghiễm nhiên coi bố mẹ là người cưng chiều vô điều kiện.
Con gái lớn của chị Quỳnh vốn đã cá tính, từ khi bước vào tuổi dậy thì lại càng thay đổi tính tình hơn. Cả nhà luôn coi cô bé như “chị đại”, làm gì cũng sợ cô bé bùng nổ. Năm học lớp 9, có lần cô bé so sánh gia đình mình với nhiều gia đình khác. Cô bé hỏi mẹ với thái độ khó chịu: "Vì sao bố mẹ nghèo? Bố bạn X. lương trăm triệu mà bố mẹ chỉ có 10 triệu? Vì sao bố mẹ chỉ đi xe máy?"... Thậm chí, cô bé đòi tự đi học bằng dịch vụ Grap, không muốn bố mẹ đi xe máy đưa đón mình.
Nghe lời con nói, chị vừa giận vừa nhận thấy mình kém cỏi không kiếm được nhiều tiền như các gia đình khác. Cứ như thế, bà mẹ tự ti với chính con mình. Bây giờ thấy con ngày càng “lệch chuẩn”, chị Quỳnh muốn uốn nắn con thì đã quá muộn vì mỗi lần bố mẹ răn dạy con lại đòi bỏ nhà đi, giận dỗi đóng cửa phòng, không nói chuyện với ai.
Chia sẻ về vấn đề này bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách – Viện tâm lý lâm sàng MP Hà Nội cho rằng con gái chị ích kỷ là do bố mẹ không hiểu hết về quyền và trách nhiệm của cha mẹ như thế nào nên chiều chuộng con thái quá.
Nhiều đứa trẻ giống với con chị Quỳnh, chúng dễ dàng chê bai, phán xét bố mẹ và luôn so sánh như: Sao bố mẹ nghèo, lương chỉ có vài triệu? Sao bố mẹ chỉ đi xe máy mà không phải ô tô? Sao con chỉ có một cái áo đồng phục? Sao nhà mình bé tí trong khi nhà các bạn to đẹp?
Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều bố mẹ có tư duy "coi con cái là châu báu, ngọc ngà, không muốn con thiếu thứ gì". Nếu bố mẹ không đưa một đứa trẻ vào hành lang kỉ luật và nhận thức đúng về gia đình cũng như bản thân từ bé thì chắc chắn lớn lên chúng sẽ thiếu thấu cảm, thiếu cảm nhận tình thân. Từ đó, những đứa trẻ sẽ trở thành người vô cảm trước mọi khó khăn của bố mẹ, gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
Bác sĩ Bách cho rằng anh gặp rất nhiều câu chuyện tương tự như gia đình chị Quỳnh, có nhiều trẻ ích kỷ, đòi hỏi một cách quá đáng, sẵn sàng bật lại bố mẹ để thoả mãn nhu cầu cá nhân.... Vì vậy góc nhìn của bố mẹ rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái nhất là trong thời điểm xã hội công nghiệp hoá như hiện nay. Sự chiều chuộng, nhẫn nhịn, cung phụng không giới hạn của bố mẹ chính là nguyên nhân phổ biến nhất biến các con thành những đứa trẻ hư.
Tương tự tâm sự của chị Quỳnh, phụ huynh Hoàng Giang ở Hải Phòng cho hay: "Có lúc tôi từng nghĩ, đứa con trai mà 17 năm trước tôi dứt ruột đẻ ra, giờ không phải là con của mình. Dẫu biết tuổi này con đang ẩm ương, nhưng không ngờ sự ẩm ương lại bước đi quá xa đến như vậy".
Với vị phụ hunh này, thời gian hơn một năm trở lại đây là những tháng ngày phải "đau đầu" với đứa con trai đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Từ hình ảnh một cậu nhóc ngoan ngoãn, sống tình cảm, bố mẹ phàn nàn thì cũng chỉ "cười xòa cho xong", sau khi bước chân vào cấp 3, con trai chị Giang "lột xác" thành một đứa trẻ ngang bướng, đua đòi.
"Nếu như trước đây, tôi nói gì con đều vâng lời, hoặc có vấn đề gì không đồng tình thì hai mẹ con cũng nói chuyện với nhau rất nhỏ nhẹ. Tuy nhiên, bây giờ thì khác. Mẹ nói một câu, con cãi một câu.
Chưa hết, mặc dù mới bước vào năm học nhưng tôi đã bị "mời" lên nói chuyện vì thầy chủ nhiệm phát hiện con tụ tập cùng một vài người bạn hút trộm thuốc trong nhà vệ sinh. Thầy còn phê bình kết quả học tập của con giảm sút dữ dội, cả ngày chỉ mải mê bày ra những trò chọc phá vô bổ thay vì chuyên tâm vào bài vở", chị Giang kể lại.
Trước sự thay đổi của cậu con trai, gia đình chị thường xuyên xảy ra những trận cãi vã. Bữa cơm đôi khi cũng "chan đầy nước mắt" bởi con phạm lỗi, bố mẹ không kiềm chế được mà la mắng; còn cậu con trai thì tức tối bỏ vào phòng.
Không ít trường hợp các bậc phụ huynh đau đầu vì những người con thay đổi tính cách “sáng nắng chiều mưa” vào giai đoạn dậy thì. Để nhìn thấu tâm lý của con trong giai đoạn này, các chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên quan tâm đến con để kịp thời uốn nắn, nhưng vẫn dành cho con không gian riêng. Cha mẹ luôn là bạn của con và tập dần với sự thật rằng con mình không còn bé bỏng như thuở lên 3 lên 5.
Phụ huynh cần khéo léo khi dạy con ở tuổi dậy thì
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - VPIT, câu chuyện trẻ trở nên ương bướng, chống đối ở tuổi dậy thì là vấn đề mà nhiều gia đình mắc phải. Ở độ tuổi này, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về thể chất, trẻ cũng có sự thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý, cùng với đó là mong muốn được khẳng định cái tôi "Tôi là ai, tôi ở đâu trong cuộc sống, thế giới này".
Có rất nhiều cách để trẻ khẳng định bản thân ở tuổi dậy thì. Có em thì khẳng định bản thân thông qua chiều hướng tích cực, ví dụ như đặt ra mục tiêu và quyết tâm theo đuổi, cũng như có những người bạn và các mối quan hệ kết nối đầy lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình đó, có nhiều trẻ sa ngã, khẳng định bản thân thông qua những hành vi mang tính tiêu cực như quậy phá, bướng bỉnh, đua đòi…
Nếu như không có sự chỉ dẫn và đồng hành của người lớn để phân tích sự đúng sai, cũng như đưa ra các giới hạn, thì rất có thể những biểu hiện tiêu cực này sẽ dễ trở thành lối mòn trong tính cách, tác động xấu đến phẩm chất cũng như sự phát triển của trẻ về sau.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh khi thấy con mắc lỗi, bướng bỉnh không nghe lời… thì đã dùng mọi biện pháp hà khắc như la mắng, phạt, thậm chí đánh đập, với mong muốn con đi đúng đường. Theo nhà tâm lý Vũ Thu Hà, đây là cách làm sai, phản khoa học, không những không giúp trẻ tốt lên mà dễ khiến các em ngày càng lầm đường lạc lối.
"Ở tuổi dậy thì, mang tâm lý mình dần trở thành người lớn, nhiều trẻ có lòng tự tôn rất cao. Kéo theo đó là sự thay đổi tâm lý, buồn vui thất thường, hay cáu giận song cũng dễ tổn thương. Do đó, nếu có hành động nào ảnh hưởng tiêu cực tới lòng tự tôn, các con sẽ gục ngã.
Việc phụ huynh sử dụng đòn roi hay những biện pháp cấm cản hà khắc sẽ khiến trẻ có nguy cơ chống đối, phản ứng một cách kịch liệt đằng sau lớp vỏ bọc mà người lớn cho rằng đã "thuần hóa" được một đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời".
Chuyên gia cho rằng, không chỉ gây tổn thương cho trẻ, việc sử dụng bạo lực hay la mắng con trước mặt mọi người sẽ đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa. Có những đứa trẻ phải bỏ nhà ra đi bởi câu chửi mắng của cha mẹ. Thậm chí, nhiều trẻ em còn mang trong mình tư tưởng căm ghét đấng sinh thành, thứ tình cảm tiêu cực ấy theo trẻ cả đời, ảnh hưởng tới việc xây dựng các mối quan hệ trong tương lai.
Dạy con ở tuổi dậy thì không nên lấy quyền làm cha mẹ mà áp đặt, la mắng, giáo điều. Phải gần gũi để hiểu con và kịp thời phát hiện những suy nghĩ, hành động lệch lạc của con để uốn nắn, nhắc nhở. Đôi khi phải tìm hiểu các thông tin về con cái qua nhiều kênh như nhà trường, bè bạn hoặc nhẹ nhàng gợi mở để lắng nghe suy nghĩ của con.
Cha mẹ dạy con ở tuổi dậy thì khó hơn ở các lứa tuổi khác rất nhiều, đòi hỏi người làm cha mẹ ngoài tình thương yêu con trẻ còn phải có tính kiên nhẫn, biết kiềm chế sự nóng nảy, dành thời gian để giúp con có thêm kỹ năng sống và định hướng cho con những suy nghĩ đúng đắn.
Ngoài những thay đổi về tâm lý, sự trưởng thành và thay đổi ở ngoại hình cũng là điều đáng ghi nhận ở giai đoạn dậy thì. Đây là giai đoạn “nhổ giò”. Con trai phát triển chiều cao rất nhanh ở giai đoạn này, trong khi con gái dần đang trở thành thiếu nữ. Con trai có thể ăn nhiều hơn nói vì nhu cầu chất lượng dinh dưỡng của các em rất cao. Các em gái thường có tâm lý sợ thừa cân, không dám ăn quá nhiều trong những bữa ăn chính và dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nhiều dưỡng chất, nhất là thiếu sắt do “những ngày đèn đỏ”. Vì vậy, ở lứa tuổi này, chế độ dinh dưỡng lại cần được quan tâm đặc biệt.
Trúc Chi (theo Infornet, Tiền Phong, Dân Trí )