Chuyên gia mách lời giải cho bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần
Khoảng 52.600 người rút bảo hiểm xã hội một lần theo thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2022. Giải pháp cho vấn đề trên là gì?
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần.
* Thưa bà, nhiều người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Bà cho rằng nguyên nhân là từ đâu?
- Rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động là quyền lợi chính đáng. Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội, Bộ luật lao động 2019, họ được quyền rút ra trong trường hợp khó khăn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 và thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều người lao động mới quay trở lại làm việc nên còn khó khăn. Do vậy, phần họ tham gia đóng bảo hiểm xã hội được coi là thu nhập tạm thời.
Ngoài ra, còn nhiều lý do khác thuộc về việc tổ chức thực hiện. Trước nhất, người lao động chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm xã hội khi gặp biến cố như nghỉ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ hai, người lao động không nhận thức hoặc không hiểu được bảo hiểm xã hội sẽ là nguồn thu nhập (lương hưu), bảo hiểm y tế (BHYT) khi về già. Niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội rất thấp vì họ không tin số tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ được quản lý tốt.
Rất nhiều người lao động tham gia theo kiểu bắt buộc, nên họ rút bảo hiểm xã hội một lần để tham gia bảo hiểm thương mại khác.
* Việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ có cái lợi chi tiêu trước mắt. Về lâu dài, người lao động sẽ ảnh hưởng thế nào?
- Ảnh hưởng đầu tiên là người lao động mất an ninh thu nhập. Rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc có tiền trước mắt nhưng mất đi số năm đã đóng, khi đóng lại sẽ thiệt thòi hơn. Theo quy định, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm mới được hưởng lương hưu 45%, nếu rút ra thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần. Như vậy, cuộc sống về già sẽ rất khó khăn.
Thứ hai, người lao động còn mất đi nhiều chính sách bổ sung như BHYT khi về già, khi ốm đau được hỗ trợ thêm, tử tuất, mai táng…
Theo nguyên tắc của bảo hiểm xã hội, tiền nhàn rỗi do người trẻ đóng vào để trả lương hưu cho người về hưu, đồng thời đầu tư tạo ra quỹ bảo hiểm xã hội lâu dài. Do đó, người lao động rút ra hàng loạt sẽ gây xáo trộn trong hệ thống. Quan trọng hơn là mục tiêu an sinh xã hội toàn dân, mở rộng bao phủ về tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không đạt được.
Giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua, nếu người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội ngay từ đầu thì sẽ được hưởng rất nhiều chính sách. Chẳng hạn, họ được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm đóng bảo hiểm xã hội…
Đứng về mặt vĩ mô, khẩu hiệu "không để ai lại phía sau" - khẩu hiệu an sinh xã hội phát triển kinh tế gắn với mục tiêu xã hội không đạt được. Còn về mặt quốc tế, xu thế chung của thế giới là mở rộng bao phủ của an sinh xã hội, bảo đảm an ninh tuổi già, nên người lao động không được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần.
Giải pháp ngắn hạn là bảo đảm cho người lao động có nguồn thu nhập, dài hạn là hệ thống an sinh xã hội không bị phá vỡ. Dài hạn hơn nữa là an ninh của người lao động khi về già.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội
* Khi nhiều người dân rút bảo hiểm xã hội thì về lâu dài sẽ tăng độ tuổi lao động?
- Đó cũng là một trong những hệ lụy. Tại Việt Nam, theo con số thống kê, 80% người lao động sau tuổi về hưu cho đến 70 tuổi vẫn làm việc bình thường. Một nguyên nhân phổ biến là họ không có nguồn thu nhập nào khác.
Nhưng đừng nghĩ rằng người lao động quá tuổi là dấu hiệu xấu, bởi tuổi thọ đã nâng cao, sức khỏe được cải thiện hơn rất nhiều. Việt Nam là 1 trong 10 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới trong khi kinh tế ở mức thấp, tức là người cao tuổi tiếp tục tham gia thị trường lao động là một dấu hiệu tốt. Nhưng chỉ tốt với người nào mà đủ điều kiện. Còn những người buộc phải làm vì không đủ an sinh thì đó là những dấu hiệu không tốt.
Nếu chúng ta không có những chính sách khác, sẽ dẫn đến những hệ lụy như tăng nguy cơ tai nạn lao động, tăng chi phí sức khỏe và các hệ lụy khác. Đó sẽ là con dao "hai lưỡi".
* Vậy theo bà, giải pháp về vấn đề này là gì?
- Đầu tiên là phải nhanh chóng điều chỉnh lại luật để không cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi ngoài những hệ lụy nêu trên, tiền lệ quốc tế không cho người lao động rút ra khi chưa đến hai cột mốc: tuổi nghỉ hưu và đóng đủ số năm hưởng bảo hiểm xã hội.
Tiếp theo, tính toán khoản bảo hiểm thất nghiệp của người lao động theo hướng tín chấp để họ vay một khoản tương đương. Như vậy, người lao động không bị mất đi thời gian đóng bảo hiểm xã hội và vẫn có tiền.
Thứ ba, nếu cho người lao động rút thì chỉ nên cho họ rút những cái thuộc về họ. Hiện nay, doanh nghiệp đứng ra đóng bảo hiểm xã hội ở mức 31% cho người lao động. Trong đó, người lao động chỉ đóng 1/3 số tiền, còn lại là doanh nghiệp đóng. Như vậy, người lao động chỉ được rút phần bản thân đóng.
Thứ tư, tăng cường độ hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 2/5 chế độ so với bảo hiểm xã hội bắt buộc nên người lao động thấy không hấp dẫn.
Cuối cùng, minh bạch và công khai chính sách song song với tuyên truyền, kéo người sử dụng lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Tăng cường hỗ trợ khó khăn cho người lao động, khi họ khó khăn thì cần phải hỗ trợ thêm.
Việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống 15 năm và tiến tới 10 năm có thể là một trong những biện pháp để mở rộng độ bao phủ BHXH. Tuy nhiên cần có giải pháp căn cơ hơn như chính sách tiền lương, các hỗ trợ khác.