Chuyên gia lý giải về thực trạng suy thoái thị trường chứng khoán Mỹ
Thị trường chứng khoán toàn cầu có tin xấu, bao gồm sụt giảm ở các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Amazon, Apple, Tesla...
Có thông tin về xu hướng xấu gần đây của thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm sụt giảm trong năm nay ở các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Amazon, Apple, Tesla… Nguyên nhân cụ thể là gì và quan hệ với lạm phát thế nào? Thực trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Lựa chọn tốt nhất để đầu tư bây giờ là gì? Phóng viên Vision Times phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina Mỹ về vấn đề này.
Các nguyên nhân làm cổ phiếu công nghệ của Mỹ sụt giảm
Tiến sĩ Tạ Điền cho biết: “ Nếu tính theo từng công ty cụ thể thì nguyên nhân suy giảm của mỗi nơi có thể khác nhau. Ví dụ như đối với Facebook là do tốc độ tăng trưởng người dùng chậm lại, không nhanh đều như trước, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại nhìn chung sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu của công ty. Còn như Amazon thì vấn đề phong tỏa của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) khiến nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến làm giá trị công ty này tăng lên. Đối với Apple thì có liên quan đến một số sản phẩm cụ thể, chẳng hạn như doanh số bán iPhone 12 và iPhone 13. Còn Tesla, chúng ta biết rằng ông Elon Musk đang tăng tốc quy mô sản xuất của Tesla, chẳng hạn như việc tăng sản lượng gần đây ở Thượng Hải. Do Thượng Hải phong tỏa khiến người ta lo lắng Tesla không thể sản xuất đủ xe để đáp ứng lượng giao hàng dự kiến, khiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm. Thêm nữa, bây giờ Elon Musk sử dụng cổ phiếu Tesla làm đảm bảo để mua lại Twitter và điều này cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Tesla… Như vậy nghĩa là mỗi công ty có những vấn đề khác nhau”.
Mối quan hệ giữa suy giảm thị trường chứng khoán và lạm phát của Mỹ
Tiến sĩ Tạ Điền phân tích: “Xu thế sụt giảm chung gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ có liên quan đến lạm phát và sự sụt giảm GDP của Mỹ trong quý đầu tiên.
Tại sao GDP của Mỹ hiện đang giảm? Đây cũng là điều khiến rất nhiều người hoang mang. Bởi vì chúng ta biết rằng tỷ lệ người có việc làm ở Mỹ rất cao, tỷ lệ thất nghiệp chỉ vài phần trăm cũng khá thấp. Nhưng tại sao việc làm nhiều, khởi nghiệp nhiều mà GDP quý I của Mỹ năm nay lại sụt giảm? Có nhiều cách giải thích khác nhau.
Tôi nghĩ một trong những giải thích tốt nhất cho việc giảm năng suất lao động trong khi chi phí lao động tăng vọt ở Mỹ là vấn đề hiệu quả sản xuất. Khi tỷ lệ việc làm cao mà kết quả như vậy thì cho thấy vấn đề yếu trong kỹ năng, chất lượng và thái độ làm việc người lao động. Ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp cao (đương nhiên chúng ta không chủ trương) có thể vì lý do cạnh tranh thì việc làm thường thuộc về những người có thái độ làm việc tích cực nhất, năng suất nhất, có năng lực nhất trong công việc. Vì vậy hiệu quả sản xuất trong hai trường hợp này không giống nhau.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong quý I năm nay năng suất lao động của Mỹ đã giảm 7,5%, đây là mức tồi tệ nhất trong 75 năm qua, trong khi đó chi phí nhân công thì tăng 11,6%. Vì thiếu người nên nhiều công ty không thuê được người và phải tăng lương làm tăng chi phí sản xuất. Mức tăng chi phí sản xuất trong 4 quý vừa qua đạt 7,2% cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quý III năm 1982. Còn theo ước tính của Phố Wall thì năng suất tổng thể giảm 5,2% nhưng chi phí lao động lại tăng 10,5%. Trong khi Fed đang cắt giảm lãi suất mà tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm sút thì tất yếu sẽ kéo theo thị trường chứng khoán sụt giảm.
Tất nhiên sự sụt giảm này cũng liên quan đến dịch bệnh COVID-19, vì phải phong tỏa khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Dịch COVID-19 tại nhiều nơi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây những ảnh hưởng tiếp, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch ở Trung Quốc. Chính sách phong tỏa của Trung Quốc đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, dẫn đến lạm phát toàn cầu và kéo theo lạm phát ở Mỹ. Như vậy vấn đề lạm phát này nằm ngoài tầm kiểm soát, mức tháng trước là 8,5%. Hiện nay thêm vấn đề cuộc chiến ở Ukraine cũng đã làm suy yếu hoạt động kinh tế trong nền kinh tế quốc tế và làm tăng giá năng lượng và thực phẩm thế giới. Ở đây tôi muốn nhìn tổng quan những mối quan hệ quốc tế với sụt giảm chung của thị trường chứng khoán Mỹ”.
Lạm phát của Mỹ và chính sách của Tổng thống Biden
Theo nhiều nguồn tin truyền thông Mỹ, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh trong nhiều bài phát biểu rằng lạm phát ở Mỹ có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Vấn đề này được ông Tạ Điền cho biết thực tế lạm phát ở Mỹ như hiện nay bắt đầu tăng từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
“ Trước đó là 4 năm của ông Trump thì lạm phát cơ bản chưa tới 2%. Lạm phát đã tăng đều đặn kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 và nhanh chóng phá các mức 3%, 4%, 5%, 6%, 7%, cho đến nay lên tới 8,5%. Lý do chính không như ông Biden quy kết là vì cuộc chiến xâm lược của ông Putin, bởi vì cuộc chiến đó diễn ra vào cuối tháng Hai năm nay, trong khi lạm phát này bắt đầu tăng vào tháng Hai năm ngoái và đến nay bị mất khả năng kiểm soát. Hiện tại Chính phủ Mỹ bội chi và in tiền gây khủng hoảng, kế hoạch kích thích kinh tế lên đến 5000 – 6000 tỷ USD khiến lượng lớn tiền chảy vào thị trường như vậy thì chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, đây là lý do chính. Tất nhiên còn có chính sách năng lượng xanh của chính quyền Biden đã dẫn đến sự suy giảm hoạt động khai thác dầu ở ngoài khơi dọc theo bờ biển nước Mỹ và giảm sản lượng khai thác than, thay vào là đóng cửa sản xuất đá phiến dầu, như vậy khiến giá năng lượng của Mỹ tăng cao, đây cũng là nguyên nhân chính khác gây ra lạm phát ”.
Xu hướng sụt giảm của thị trường chứng khoán sẽ kéo dài bao lâu?
Tiến sĩ Tạ Điền phân tích thêm rằng: “ Tất nhiên có rất nhiều nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu cơ thấy thị trường chứng khoán giảm thì họ có thể lại tăng đầu tư vào. Hiện nay, Mỹ đã tăng lãi suất nên mở ra khả năng cho nhiều nguồn quỹ quay trở lại nước Mỹ và như vậy sẽ khiến thị trường chứng khoán tăng lại. Nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục suy thoái thì tôi nghĩ thị trường chứng khoán cũng sẽ khó khởi sắc lên, trừ khi nền kinh tế thực sự bắt đầu phục hồi. Mức suy giảm trong quý I dường như là 1,4%, nếu trong 2 quý tiếp theo mà nền kinh tế Mỹ tiếp tục sụt giảm thì có thể xem là bị chìm vào suy thoái. Tình hiện nay cho thấy rất khó để không rơi vào suy thoái. Vì vậy tôi cho rằng thực trạng sụt giảm chung của thị trường chứng khoán như hiện nay sẽ còn tiếp tục một thời gian”.
Vài lời cho người tham gia đầu tư?
Cuối cùng ông Tạ Điền cho biết: “ Nói chung tôi không đưa ra đề xuất đầu tư cụ thể, nhưng chúng ta có thể nói trong khuôn khổ chung. Nếu ai đó lạc quan về cổ phiếu và cổ phiếu nào đã giảm nhiều thì cũng có thể cân nhắc đầu tư vào. Nhưng theo tôi cách tốt nhất để đầu tư vào cổ phiếu là xem xét ở ngay công ty bạn làm việc, khi đó mới biết rõ hơn được định hướng tương lai cũng như khả năng của công ty, vì bạn biết hoạt động bên trong của công ty, ngoài ra là vấn đề công ty cung cấp cho nhân viên quyền hạn có được một số cổ phần thì cũng có thể đầu tư vào.
Đối với những người khác, trừ khi đó là một người chuyên nghiệp. Nói chung tôi không khuyến nghị những người bình thường đầu tư vào thị trường chứng khoán, điều này quá rủi ro và chỗ có lời cũng khó bù được khi bị mất. Hiện nay nếu ai có điều kiện thì có thể mua vàng, dù hiện tại vàng đã tăng giá nhưng không quá cao nên vẫn có thể cân nhắc đầu tư. Ngoài ra là bất động sản tại Mỹ cũng là nguồn có thể đầu tư, dù lãi suất tăng nhưng vẫn được coi là lãi suất thấp, những mức gọi là 2%, 3%, 4% thực ra không phải là lãi suất cao lắm. Lúc này nếu ai chưa có nhà thì có thể mua nhà hoặc tìm bất động sản phù hợp để đầu tư”.
Tĩnh Nhữ
(Chia sẻ của Tiến sĩ Tạ Điền là thể hiện lập trường quan điểm riêng của cá nhân ông.)
Elon Musk: Chính phủ cần kiểm soát lạm phát, nếu không Mỹ sẽ giống Venezuela
Elon Musk tuần này cảnh báo rằng Mỹ phải có biện pháp để giải quyết vấn đề lạm phát, nếu không sẽ giống như Venezuela xã hội chủ nghĩa.