Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh “hiến kế” gỡ khó cho thị trường xăng dầu
Để ổn định thị trường xăng dầu, cần thay đổi cách điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước so với giá thế giới với tần suất liên tục hơn thay vì 3 lần mỗi tháng.
Nguồn cung xăng dầu không thiếu
Thời gian qua, rất nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển nghỉ bán với lý do hết xăng, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung xăng dầu trong nước liệu có đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự phục hồi sau hơn 2 năm chịu tác động từ dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp đang bắt đầu quay trở lại sản xuất kinh doanh sau một thời gian đình trệ bởi dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế lại không phải là như vậy. Bởi theo một số nguồn thông tin cho biết, việc xăng dầu thiếu trước hụt sau ở cây xăng trong thời gian gần đây là “có vấn đề”, gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải, vấn đề không phải là cây xăng “khát” xăng dầu mà do các đầu nậu ghim hàng mỗi khi giá xăng dầu có biến động.
Chẳng hạn, ngày 5/9, giá dầu có thể tăng lên 1.500 đồng/lít, thông tin này, nếu biết giá tuần sau tăng, y như rằng trong tuần đó sẽ xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu, nhưng trên thực tế, xăng dầu không thiếu mà do các đầu nậu ghim hàng để chờ điều chỉnh bán chênh lệch, hưởng lợi.
Trước thông tin về đầu nậu “găm hàng” chờ tăng giá gây nhiễu loạn thị trường xăng dầu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, chuyên gia kinh tế, TS.Lê Đăng Doanh cho rằng, giá xăng dầu trong nước về cơ bản biến động theo hướng xu hướng giá dầu thế giới. Nhưng theo quy định trong nước, giá xăng hàng tháng sẽ điều chỉnh 3 lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều chỉnh trùng vào các ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.
Việc điều chỉnh 3 lần trên 1 tháng theo ông Lê Đăng Doanh là ít, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động theo ngày. Việc thời gian điều chỉnh xa ít như vậy cũng sẽ khiến giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng biến động giá thế giới, nên dẫn đến tình trạng, nếu giá xăng dầu tăng, nhưng chưa đến kỳ điều chỉnh để áp dụng giá bán mới, thương nhân kinh doanh xăng dầu sẽ “găm hàng” đề chờ giá cao tăng mới bán.
Theo đó, để kiểm soát linh hoạt hơn thị trường xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị, thay vì điều chỉnh 3 lần một tháng, Việt Nam nên áp dụng thời gian điều chỉnh ngắn hơn để đảm bảo giá xăng dầu trong nước sát hơn với giá thế giới.
Giảm phí, thuế và bài toán “dịch chuyển năng lượng”
Đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã liên tục tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát, có động thái mạnh đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, rút giấy phép các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Vì vậy, Bộ Công Thương cũng nên cân nhắc kỹ vấn đề này, đồng thời tìm ra những phương án phù hợp hơn để vừa có biện pháp răn đe những doanh nghiệp vi phạm, nhằm ổn định thị trường xăng dầu, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhịp sinh hoạt của người dân.
Liên quan đến vấn đề giảm phí, thuế đối với mặt hàng xăng dầu, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trước mắt nên có sự điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau COVID-19, mặc dù mức điều chỉnh phí, thuế sẽ khiến thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng. Vì thu thuế nhập khẩu từ xăng dầu là đơn giản nhất, chỉ cần nhập về là có nguồn thu ngay, trong khi các thuế khác thì cần một thời gian. Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đang khó khăn, việc giảm thuế, phí cũng cần được tính đến.
Tuy nhiên, về lâu dài để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chúng ta vẫn cần chuyển đổi một nguồn năng lượng phù hợp để thay thế cho nguồn nhiên liệu này. Nhiên liệu thay thế có thể là năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió, bởi Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng này trong tương lai.
Ngày 25/7/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4648/VPCP-KTXH về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí. Theo đó, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh để giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ cho cả trước mắt và dài hạn.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi ý kiến là từ 20% xuống 12% trước đó.