Chuyên gia khẳng định: Đầu tư sao chép quỹ lớn tưởng hiệu quả nhưng lại rủi ro khó lường!
Có những giao dịch mua bán cổ phiếu của các quỹ, nhà đầu tư cá nhân khó có thể hiểu được.
Thị trường chứng khoán thời gian gần đây đang có nhiều diễn biến tích cực. Tuy nhiên, đi ra từ những biến động khó lường, những lần "rơi không phanh" trong nửa đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư khá băn khoăn rằng đây là nốt bổng trong 1 bản nhạc buồn hay nốt thăng trong dài hạn.
Trong Bí Mật Đồng Tiền số 33 với chủ đề "Đã qua nốt trầm?" dưới sự dẫn dắt bởi BTV Hoàng Nam cùng các "nhạc trưởng" - Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI và ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment đã có những chia sẻ quan điểm dự đoán thị trường chứng khoán trong quý 3.
Trong đó, khi bàn luận về vấn đề nhiều nhà đầu tư cá nhân thường xuyên theo dõi giao dịch của quỹ đầu tư, Mr.X30 cho rằng nó khá rủi ro. Nhiều khi mọi người nghĩ rằng bằng 1 cách nào đấy, theo dõi được tổ chức bất kỳ, thường là quỹ đầu tư lớn sẽ có lợi thế. Song, nếu thường xuyên xem các báo cáo giao dịch, bạn sẽ nhận ra rằng khó hiểu tại sao họ có thể giao dịch như thế.
"Nhiều khi, mình sao chép lại giao dịch sẽ thành công, nhưng không hẳn thế. Chẳng hạn, hôm nay quỹ bán cổ phiếu X nào đấy, bạn nghĩ rằng đó là do nó bị ghét. Nhưng có thể trong hôm đấy, quỹ bán là bởi vì cần tiền do nhà đầu tư muốn rút vốn. Trong trường hợp đó, có thể quỹ sẽ chọn cổ phiếu có thanh toán tốt nhất hoặc cổ phiếu đó đã tăng vọt so với mức độ quản trị rủi ro của quỹ. Ví dụ không thể để cổ phiếu đó quá 15% trong toàn bộ danh mục, khi lên 16-17%, quỹ sẽ bán. Những cái đấy, nhà đầu tư cá nhân khó có thể hiểu nổi. Do vậy, việc đi xem giao dịch của các quỹ hàng ngày, thông tin này không mang lại nhiều giá trị để đầu tư".
Ngoài ra, một điều nhiều nhà đầu tư luôn thắc mắc: Đâu là đáy của thị trường và làm sao để nhận biết. Về chủ đề này, anh Phạm Lưu Hưng chia sẻ rằng, rất khó để dự đoán. Trong kinh tế học, đáy chỉ nhận ra khi đi qua. Những nhà kinh tế thường sẽ chỉ nhìn được suy thoái, phải vài ba quý sau mới chốt được.
"Song, theo tôi, tâm lý bi quan chán nản là cái dễ nhận ra nhất. Ví dụ, thị trường tạo đáy, chẳng hạn như ở SSI, nếu nhiều người chán và nghỉ việc nhiều, đó là có thể là 1 dấu hiệu thị trường bắt đầu tạo đáy. Nhưng không chắc chắn 100% đây là tín hiệu đúng. Trong đầu tư, cái khó mà nhiều nhà đầu tư lớn cũng có nói đó là lịch sự không lặp lại, chỉ có những giai điệu, nốt nhạc nào đó giống với trước thôi chứ không phải toàn bộ. Chẳng hạn, có thể ghi ra 10-12 yếu tố đỉnh và đáy trong lần trước để dự đoán thị trường tương lai, tuy nhiên đến khi nó tạo lập, chỉ có vài dấu hiệu trong đó xảy ra".
Ảnh: Moneytalk