Chuyên gia khẳng định 50 tuổi là quá trễ để bắt đầu tích lũy nghỉ hưu, 25 tuổi là thời điểm tuyệt vời
Những lời khuyên hữu ích trong câu chuyện chuẩn bị tài chính cho hưu trí.
Nghỉ hưu có lẽ sẽ trở thành quãng thời gian không mấy vui vẻ cho những người không đủ tiền để trang trải chi phí khi hết độ tuổi lao động. Hơn thế nữa, nó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải sống dựa vào 1 ai đó - điều mà hầu hết mọi người đều không muốn.
Nghỉ hưu không phải là một điểm kết, nó là một hành trình khám phá và tận hưởng thành quả của một đời lao động. Do vậy, để 1/3 cuộc đời cuối cùng được an nhàn, thoải mái, hãy dùng 2/3 thời gian trước đó để chuẩn bị, tích lũy và có ý thức tạo lập kế hoạch tài chính khi về hưu.
Trong Tự do tài chính số 27 với chủ đề "GIÀ(U)", Shark Liên - Chủ tịch hội đồng quản trị Aquaone và Anh Trần Lê Minh – Giám đốc đầu tư các Quỹ mở, Giám đốc Dragon Capital Việt Nam DCVFM chi nhánh Hà Nội đã khẳng định 50 tuổi là quá trễ để bắt đầu tích luỹ cho hưu trí. Bên cạnh đó, Shark Liên nhấn mạnh rằng khi vừa bắt đầu đi làm có lương đã nên tích lũy cho khoảng thời gian nghỉ hưu.
Anh Lê Minh chia sẻ, 43 tuổi là độ tuổi hầu như tất cả mọi người đều suy nghĩ nghiêm túc để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Nếu có thể, bắt đầu càng sớm càng tốt, 25 tuổi là thời điểm tuyệt vời, trên mức phổ biến. Còn nếu không, chúng ta có thể bắt đầu vào năm 35 tuổi, thời điểm tốt nhất.
"Vì như vậy, bạn sẽ có khoảng 20-25 năm trước khi phải nghỉ hưu theo luật định. Khoảng thời gian đó đủ dài để tài sản của bạn được nhân lên, 1 con số đủ lớn để mang lại số tiền 70% bằng thu nhập trước khi nghỉ hưu. Câu chuyện này không có 1 mẫu số chung, còn nếu cá nhân tôi khuyên thì chậm nhất là 35 tuổi".
Anh Lê Minh cũng làm rõ về con số 70%. Trên thực tế trong 70% đó phải hình thành từ nhiều nguồn. Tiền lương hưu do BHXH chi trả chỉ đảm bảo được cỡ 45%, 35% phải từ nguồn khác là tài sản tích lũy của chúng ta, có thể là nhà đất, tiền tiết kiệm, cổ phiếu,...
Bên cạnh đó, có nhiều người cho rằng hiện nay "bão giá" đang ập đến, làm giá trị đồng tiền mất đi kha khá, làm việc còn không đủ ăn lấy đâu ra tích lũy. Trong câu chuyện này, anh Lê Minh phản bác: "Đầu tiên, ở Việt Nam, trong vài chục năm nay từ khi mở cửa nền kinh tế, ngân hàng nhà nước luôn duy trì lãi suất thực dương. Nghĩ là nếu gửi tiết kiệm, bạn sẽ có lãi suất cao hơn so với mức độ lạm phát, thông thường là 2%/năm. Do vậy, không cần lo lắng lạm phát làm xói mòn đồng tiền ta đã tích lũy".
Ngoài ra, có nhiều người cho rằng làm không đủ tiêu. Nhưng khi nói đến tích lũy cho tuổi già không nhất thiết phải cần tiền mà chỉ cần ý thức về chuyện đó. Và tiền cũng không phải là vấn đề. Chẳng hạn, bạn 25 tuổi, 1 tháng bỏ ra 500k, đầu tư vào đâu đó, lãi suất 10%/ năm, đến năm 60 tuổi sẽ có khoảng 2 tỷ. Và 500k đó không phải là con số to, nó thậm chí còn chẳng đủ cho 1 bạn nhân viên văn phòng uống cà phê buổi sáng.
Kết thúc phần bàn luận, host Ngọc Trinh gửi gắm: "Cái quan trọng về câu chuyện tích luỹ là nằm trong ý thức và kiến thức. Đôi khi những đồng tiền lẻ cũng giống như những con kiến, nó có thể tạo ra sức mạnh rất lớn, mà sau quãng thời gian dài tích luỹ, chúng ta sẽ nhìn thấy được kết quả".
Ảnh cap màn hình