Chuyên gia: Hoa Kỳ “cần phải lo lắng” về mô hình của Trung Quốc ở Trung Đông
Theo các chuyên gia, nỗ lực của ĐCSTQ trong việc làm trung gian hòa giải ở Trung Đông nhằm làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Theo một chuyên gia, những nỗ lực mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc làm trung gian hòa giải ở Trung Đông là một phần trong chiến dịch lớn hơn nhằm làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Embed from Getty Images
Giáo sư Alex Vatenka, Giám đốc sáng lập của Chương trình Iran tại Viện Trung Đông, một tổ chức tư vấn đặt tại Washington D.C, nhận định, vai trò của ĐCSTQ trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa hoãn ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê-Út vào tháng 3 vừa qua chỉ là một nỗ lực nhằm giành lợi thế trước Hoa Kỳ bởi vì thỏa thuận này sẽ giúp ổn định khu vực.
Trong cuộc nói chuyện hôm 4/4 tại Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn đặt tại Washington D.C, Giáo sư Vatenka nhận xét: “Cho đến nay, những gì Trung Quốc đã làm là đóng vai trò như một địa điểm thương thuyết và ghi điểm ngoại giao trước Hoa Kỳ.”
“Người Trung Quốc vừa mới đến và có thể tạo ra địa điểm thương thuyết. Và tôi tin chắc rằng điều này là có chủ ý đối với cả Iran và Ả Rập Xê-Út.”
Giáo sư Vatenka cảnh báo, Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, đang nỗ lực làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ bằng cách cố gắng thuyết phục các quốc gia khác rằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ gây bất ổn cho khu vực và mô hình độc tài của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với hòa bình là thích hợp hơn cho hệ thống quốc tế.
Giáo sư Vatenka nhấn mạnh: “Trung Quốc không chỉ muốn trở thành một nhà môi giới thỏa thuận, mà còn muốn là một người kiến tạo hòa bình. Đây là điểm mà Hoa Kỳ cần phải lo lắng. Trái ngược với mô hình của Trung Quốc là mô hình của Mỹ, mà Bắc Kinh muốn mô tả là hoặc gây chiến hoặc cố tình tạo ra căng thẳng khắp các khu vực trên thế giới.”
Tuy nhiên, Giáo sư Vatenka lưu ý, ĐCSTQ không có đủ quyền lực và ảnh hưởng để tự mình tạo ra và vận động cho một thỏa thuận như vậy.
Ông cho biết, thực tế Iran và Ả Rập Xê Út đã bắt đầu đàm phán để đạt được một thỏa thuận như vậy ở thủ đô Baghdad của Iraq vào tháng 4/2021. Trung Quốc chỉ mới được đưa vào sau đó để cung cấp địa điểm đàm phán và cũng để gửi tín hiệu đến Hoa Kỳ rằng hai cường quốc Trung Đông đang đa dạng các lựa chọn của họ về việc tham dự của quốc tế.
Giáo sư Vatenka đặt nghi vấn: “Tôi nghi ngờ việc Trung Quốc có đủ chuyên môn và ảnh hưởng ở Trung Đông để tự mình làm điều này.”
Chính quyền Biden thất bại trong việc duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông
Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa James Lankford chỉ trích, việc ĐCSTQ gia tăng hoạt động ngoại giao ở Trung Đông, và quyết định của các cường quốc trong khu vực này thông qua thỏa thuận ngoại giao như vậy nhằm thể hiện sự bất mãn của họ đối với Hoa Kỳ, một phần bắt nguồn từ quyết định của chính quyền Biden khi rút các nguồn lực khỏi khu vực này để xoay trục sang ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông giải thích, sự chuyển đổi này khiến các lãnh đạo ở Trung Đông không tin tưởng vào cam kết của Hoa Kỳ, và bối rối về những gì Mỹ thực sự sẵn sàng làm để ổn định và gắn kết với khu vực này.
Trong cuộc thảo luận hôm 23/3 tại Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết, một tổ chức tư vấn bảo thủ, TNS Lankford lưu ý: “Không ai trong khu vực này biết Mỹ đối với Iran như thế nào.”
“Nếu [các lãnh đạo ở Trung Đông] không biết Mỹ sẵn sàng làm gì, thì họ sẽ quay sang Trung Quốc, họ sẽ quay sang ai đó khác, họ sẽ tìm ra cách họ có thể tồn tại, bởi vì [Hoa Kỳ] không có kế hoạch rõ ràng nào.”
Cuối cùng, TNS Lankford nhấn mạnh, chiến thắng phần lớn mang tính biểu tượng của ĐCSTQ trong việc làm trung gian làm tan băng mối quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út là kết quả của sự thất bại trong chiến lược chính trị của Mỹ, chứ không phải do bất kỳ sự đổi mới nào từ phía Trung Quốc.
TNS Lankford kết luận: “Trong khi chúng ta đang xoay trục sang châu Á, châu Á lại đang xoay trục sang Trung Đông.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Iran và Ả Rập Xê Út đồng ý nối lại quan hệ, với Trung Quốc làm trung gian Iran và Ả-rập Xê-út hôm thứ Sáu đã nhất trí thiết lập lại quan hệ sau nhiều năm thù địch vốn đe dọa sự ổn định và an ninh ở vùng Vịnh.