Chuyên gia giải thích lý do vì sao táo nhập khẩu để cả tháng vẫn không hỏng

Chia sẻ Facebook
23/08/2024 05:10:05

xevathethao đưa tin: "Chuyên gia giải thích lý do vì sao táo nhập khẩu để cả tháng vẫn không hỏng" với nội dung như sau:

Vì sao táo nhập khẩu để trong điều kiện thường có thể tươi ngon trong cả tháng trời, không có dấu hiệu hỏng.


Vì sao táo nhập khẩu để lâu không hỏng?


Khi mua táo, bạn có thể thấy rằng các loại táo nhập khẩu để ở nhiệt độ bình thường vẫn có thể bảo quản cả tháng mà không bị hỏng. Khi rửa, vỏ táo trơn tuột như bôi mỡ hoặc có lớp sáp dẻo quánh, có màu đục, dính. Rất nhiều người tỏ ra lo ngại không biết liệu táo như vậy có phải do được ngâm trong hóa chất bảo quản độc hại hay không?


Thực tế, lớp sáp bên ngoài quả táo chính là thứ dùng để bảo quản chúng.


ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống, để trái cây được tươi lâu, các nước tiên tiến đã tiến hành bảo quản chúng bằng các lớp sáp tự nhiên làm từ thực vật, lành tính và không gây hại cho sức khỏe.


Có hai loại sáp thực phẩm chính được sử dụng cho táo. Một là sáp Shellac được làm từ dịch tiết của bọ lac - một loài bọ cánh cứng được tìm thấy ở Thái Lan và Ấn Độ. Loại sáp này tạo ra độ bóng cho các quả táo. Khoảng 85% sáp táo được sử dụng ở Úc là loại sáp này. Một loại sáp khác dùng để bảo quản trái cây là sáp carnauba. Nó có nguồn gốc từ cây cọ Copernicia prunifera chỉ được trồng ở Brazil. Loại sáp này ổn định hơn trong nhiều điều kiện đổ ẩm và nhiệt độ. Khoảng 15% sáp táo được sử dụng ở Úc có nguồn gốc từ sáp carnauba.


Cả hai loại sáp này đều được chấp nhận là phụ gia thực phẩm ở Úc theo Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ). Chúng cũng được nhiều quốc gia khác trên thế giới phê duyệt, bao gồm cả châu Âu, vương quốc Anh và Mỹ.


Vì vậy, người tiêu dùng không cần lo ngại về an toàn thực phẩm với táo nhập khẩu. Các loại hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cả tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ. Các lô hàng không đạt yêu cầu đều sẽ bị trả lại, không được nhập khẩu vào Việt Nam.


Điều đáng lo ngại là loại táo được bán không rõ nguồn gốc hoặc do thương lái sau khi nhập về tự bảo quản bằng các loại thuốc không được phép.


Nếu táo nhập khẩu chính ngạch thì đã sử dụng công nghệ bảo quản tối ưu nhất để có thể đi đến các nước trên khắp thế giới trong thời gian dài mà không hỏng.


Tại Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều công nghệ bảo quản trái cây tươi lâu bằng phương pháp sinh học từ nhựa cây, lá cây hay các chế phẩm an toàn khác. Mục đích chính của các cách này là hạn chế quá trình hô hấp, giúp quả tự bảo vệ và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Tuy nhiên, do giá thành cao, không có quy mô sản xuất đại trà nên việc ứng dụng ở thời điểm hiện tại chỉ thu gọn trong một nhóm nhỏ, chưa nhiều người biết đến.


Nên ăn trái cây đúng mùa, đúng vụ


Việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. ThS Nguyễn Mạnh Khải cho rằng nếu thấy trái cây giữ được lâu thì không nên vội vàng kết luận là do chúng được bảo quản bằng hóa chất.


Táo, lê thường có thời gian bảo quản dài cộng với việc đã được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm các vi sinh vật, điều kiện bảo quản tốt thì có thể để được từ 6-10 tháng, thậm chí cả năm.


Bên cạnh đó, thời gian bảo quản ngắn hay dài còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản như nồng độ CO2, độ ẩm, nhiệt độ (nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 1-5 độ C), điều kiện sản xuất, giống cây, loại cây, chất lượng sản phẩm... Trong điều kiện bình thường, táo, lê không thể để được vài tháng. Tuy nhiên, khi có sự góp mặt của các chất bảo quản an toàn thì không sao.


Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên ăn các loại trái cây để quá lâu mà không hỏng. Dù bên ngoài trông chúng vẫn còn tươi nhưng bên trong vẫn có thể bị chuyển hóa. Nên ăn trái cây theo mùa. Với các loại trái cây nhập khẩu, nên chọn những loại có nguồn gốc xuất xứ. Loại này có thể giữ được lâu nhưng tốt nhất vẫn nên dùng ngay sau khi mua.

Sau đó năm 2023 Báo Dân trí có đưa tin: "Táo để 3 tháng vẫn tươi: Hoa quả nhập khẩu có hạn sử dụng không?" với nội dung như sau:

Trong một nhóm kín trên mạng xã hội, bài đăng khoe một quả táo vẫn tươi nguyên sau 3 tháng nhận được lượt tương tác lớn.

Chủ nhân bài đăng bày tỏ thắc mắc tại sao táo có hạn sử dụng lâu đến vậy. Bên dưới, nhiều bình luận xoay quanh việc này. Nhiều người cho biết họ không dám ăn những trái táo này vì sợ có chất độc hại với sức khỏe.

Quả táo "tươi bền vững" gây thắc mắc

Thảo Anh (29 tuổi) thích ăn hoa quả nhập khẩu. Cô thích táo. Trung bình mỗi tháng, Thảo Anh đều mua táo 3-4 lần, mỗi lần 2kg. Dù thế, không ít lần cô thắc mắc về lý do táo tươi lâu "bất thường".

"Nếu bảo quản tủ lạnh, táo có thể tươi tới 3 tháng. Ở nhiệt độ thường, táo cũng không hỏng sau 2-3 tuần", Thảo Anh nói.

Sau khi tìm hiểu, Thảo Anh biết rằng táo nhập khẩu ở các nước phát triển thường được bảo quản bằng các loại sáp thực vật, lành tính, không gây hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, bản thân quả táo có lớp sáp tự nhiên để bảo vệ. Tuy nhiên, do quá trình thu hoạch, vận chuyển, lớp sáp này mất đi nên phải dùng sáp công nghiệp để giữ táo lâu hỏng.

Nếu mua táo từ những đơn vị uy tín, táo nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, việc táo tươi lâu là điều bình thường, không có gì đáng lo ngại.

Táo nhập khẩu đa dạng chủng loại, mức giá

Ngọc Anh - người bán lẻ các loại hoa quả nhập khẩu - cho biết trong 5 năm bán hàng, cô nhiều lần phải giải đáp cho khách hàng về lý do táo lâu hỏng. Sau khi giải thích, có người tin, người bán tín bán nghi và không dám ăn quả táo.

Ngọc Anh cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường bởi lẽ, với thời tiết Việt Nam, việc một loại trái cây có thể tươi được mấy tháng cũng là điều đáng thắc mắc.


Táo bảo quản lạnh có thể tươi đến vài tháng (Ảnh: TCNK).

Cô cho biết táo là loại quả dễ bán vì tiếp cận được với nhiều tệp khách hàng, từ người già, người trẻ, trẻ nhỏ đều thích ăn loại quả này.  Bên cạnh đó, giá bán táo nhập khẩu không quá cao, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều người.

Tuy nhiên, táo là loại quả dễ bị dập nát trong quá trình vận chuyển. Do vậy, đây không phải thứ quả đem lại lợi nhuận cao cho người bán. Bên cạnh đó, táo sẽ tươi ngon, đẹp mắt nhất trong điều kiện đủ lạnh. Nếu người bán không có kho lạnh hoặc tủ chứa kích thước lớn, để táo ở điều kiện thường dễ bị nhăn vỏ, nhìn mất ngon.

Ngoài ra, có nhiều loại táo với nhiều mức giá nên khách hàng cũng có nhiều lựa chọn. Họ có nhiều nơi để mua nên mức độ cạnh tranh lớn.

Trên thị trường Việt Nam, táo được nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Giá bán dao động táo Autumn Glory (Mỹ) khoảng 100.000 đồng/kg, táo Rose s24 (Mỹ) chưa đến 100.000 đồng/kg, táo Koru (New Zealand) khoảng 150.000 đồng/kg, táo Queen (New Zealand) 130.000 đồng/kg, táo Juliet (Pháp) 170.000 đồng/kg, táo Fuji (Hàn Quốc) 80.000 đồng/kg, táo xanh Pháp 120.000 đồng/kg, táo Envy (New Zealand) dao động 200.000-300.000 đồng/kg tùy kích cỡ...

Cần quản lý chặt chẽ các đơn vị kinh doanh thực phẩm

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng về chất lượng hoa quả nhập khẩu, cần kiểm tra mới có kết quả chính xác rằng loại quả nào đảm bảo chất lượng hay không.

Theo ông, hoa quả nếu được mua tại các siêu thị lớn sẽ đảm bảo hơn bởi thực phẩm được nhập và bày bán tại siêu thị đều đã qua kiểm định.

Chuyên gia nhấn mạnh câu chuyện liên quan đến chất lượng thực phẩm là vấn đề quản lý nhà nước. Hiện tại, có sự lẫn lộn giữa thực phẩm ở siêu thị và thực phẩm được bày bán tràn lan ngoài chợ khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được chất lượng sản phẩm.

Chuyên gia nói thêm nếu quản lý chặt chẽ, người tiêu dùng sẽ thoải mái trong việc mua bán. Ông đưa ra ví dụ về việc các loại tem dán ghi mác "sản phẩm đã qua kiểm định" hay các loại thuốc làm trái cây chín nhanh đang được bày bán tràn lan. Người bán nhỏ lẻ dễ dàng mua tem, thuốc bảo quản không qua kiểm định về tự ý sử dụng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Phú cho rằng thuận tự nhiên, táo là loại quả có thời gian sử dụng lâu hơn loại quả khác. Ông đưa lời khuyên người tiêu dùng nên mua thực phẩm, hoa quả ở những nơi bán hàng uy tín, tránh ham rẻ mua bày bán đổ đống, chất lượng không đảm bảo.

Chia sẻ Facebook