Chuyên gia giải mã tiếng động lạ dưới biển khi tìm tàu lặn mất tích gần xác tàu Titanic

Chia sẻ Facebook
22/06/2023 11:49:57

Một chuyên gia về thủy âm nói những tiếng động lạ mà đội tìm kiếm, cứu hộ nghe thấy ở khu vực tìm tàu lặn mất tích có thể không phải là dấu hiệu cho thấy sự sống.

Lực lượng tuần duyên Mỹ và Canada hiện vẫn chưa xác định được vị trí tàu lặn mất tích.

Lực lượng tuần duyên Mỹ tiếp tục nghe thấy các tiếng động lạ vào sáng ngày 21/6 (giờ địa phương), sau khi máy bay tìm kiếm của Canada phát hiện âm thanh mỗi 30 phút/lần vào tối ngày 20/6.

"Tôi không thể nói đó là thứ âm thanh gì", đại úy Jamie Frederick, quan chức lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết ngày 21/6, sau khi đội tìm kiếm thông báo phát hiện thêm nhiều tiếng động lạ. Đại úy Frederick nói mình không biết chắc liệu những tiếng động phát ra dưới đáy biển có phải từ tàu lặn chở 5 người mất tích hay không.

Jeff Karson, chuyên gia về thủy âm, giáo sư đại học Syracuse ở New York, Mỹ, nói các tiếng động mà lực lượng tuần duyên Mỹ phát hiện có thể không phải là dấu hiệu cho thấy sự sống.

Giáo sư Karson nói rằng ông "không bất ngờ nếu nguồn phát ra tiếng động lạ không phải từ tàu ngầm mất tích".

Giáo sư Karson cho rằng, tiếng động lạ mà đội cứu hộ phát hiện có thể không phải là từ tàu lặn mất tích.

Trả lời trên tờ Daily Mail của Anh, giáo sư Karson nói: "Có khả năng đó là tiếng các mảnh vỡ va chạm với nhau dưới đáy biển. Không chỉ một và nhiều mảnh vỡ va chạm với nhau, làm phức tạp thêm nỗ lực tìm kiếm".

Kể từ khi chìm xuống đáy biển, các mảnh vỡ của tàu Titanic nằm rải rác ở một khu vực. Các mảnh vỡ có thể bị sóng ngầm dưới biển làm xê dịch, hoặc do quá trình ăn mòn khiến chúng rời khỏi vị trí và gây ra tiếng động.

"Khi đội tìm kiếm nói về các tiếng đập, liệu đó có thực sự là tiếng đập hay một dạng âm thanh không xác định. Tôi nghĩ mô tả như vậy thì chính xác hơn", giáo sư Karson nhận định.

"Trong các cuộc tìm kiếm vật thể mất tích dưới đáy biển trước đây, người ta đã phát hiện đủ loại âm thanh khác nhau. Đó là một trong những vấn đề mà chúng ta chưa thể hiểu về đại dương sâu thẳm", ông Karson nói.

Dù vậy, giáo sư Karson cho rằng, mọi âm thanh mà đội tìm kiếm nghe thấy đều là các manh mối quan trọng. Ông cũng tin tưởng rằng đội tìm kiếm đang làm việc hết sức có thể.

Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.700 mét dưới đáy biển.

Hôm 21/6, lực lượng tuần duyên Mỹ thông báo đã mở rộng khu vực tìm kiếm gấp 2 lần Connecticut, bang có lãnh thổ rộng hơn 13.000km2.

Nhưng giáo sư Karson cho rằng, tàu lặn mất tích rất có thể đang ở rất sâu dưới biển. Bởi nếu ở gần mặt biển, "đội cứu hộ đã tìm ra từ lâu".

"Tôi không hiểu vì sao họ lại mở rộng khu vực tìm kiếm. Tàu lặn đó không đi được xa đến vậy, pin của tàu không đủ lớn, nó không di chuyển được nhanh", ông Karson nhận định. "Tàu lặn đó chỉ phù hợp để lặn theo phương thẳng đứng xuống phía dưới".

Theo giáo sư Karson, điều quan trọng bây giờ là phải tìm ra con tàu. Một khi xác định được vị trí, chỉ mất khoảng 2 giờ để kéo tàu lặn lên từ đáy biển.


Đăng Nguyễn - Daily Mail

Chia sẻ Facebook