Chuyên gia dự báo lạm phát cuối năm thế nào?
Chuyên gia kinh tế có những nhận định khác nhau về lạm phát trong những tháng cuối năm 2022.
Trong báo cáo mới nhất về một số vấn đề được dư luận quan tâm, Bộ Tài chính nhận định: Từ nay từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất đến việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.
Ngoài ra, trong nửa cuối năm, khi các gói trong chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, vẫn có những yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có những điều chỉnh chính sách, trong đó chú trọng thắt chặt chính sách tiền tệ để ưu tiên kiểm soát lạm phát. Khi lạm phát ở các nước được kiểm soát, áp lực từ môi trường bên ngoài có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước, kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt hơn. Đồng thời, sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào cùng với các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Nhận định lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong những tháng cuối năm 2022, nhóm chuyên gia phân tích đến từ Chứng khoán VNDirect tỏ ra thận trọng khi cho rằng chỉ số giá lương thực, thực phẩm có thể tăng tốc. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng phục hồi cùng chi phí đầu vào tăng cao đã đẩy giá thịt lợn, thịt gà và rau quả tăng lên trong thời gian gần đây.
Thứ nữa, giá nhiên liệu tăng gây áp lực lên chi phí vận tải và logistic. VNDirect cho rằng giá xăng dầu toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và không thể sớm hạ nhiệt do xung đột Nga - Ukraine đang kéo dài. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa và vận tải hành khách phải tăng giá cước trong thời gian tới để bù đắp chi phí.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu cao kéo chi phí sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tăng. Do nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối 2022, các công ty sản xuất có thể tăng giá bán để bù đắp chi phí đầu vào, điều không thực hiện được trong quý trước do nhu cầu tiêu dùng thấp.
"Do đó, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới và dự báo CPI trong 6 tháng cuối năm sẽ bình quân ở mức 4,5% so với cùng kỳ", báo cáo VNDirect nêu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho rằng áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn. Nếu không có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như đề ra sẽ trở nên rất thách thức.
Theo bà Oanh, áp lực lạm phát do giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế. Đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải.
Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.
Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân được dự báo sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
"Chúng tôi cũng đánh giá việc đạt được 4% theo mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra trong năm nay là một thách thức rất lớn", bà Oanh cho hay.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng tình sức ép lạm phát cuối năm nay sẽ giảm dần và không căng thẳng như đầu năm. Ông Thịnh lý giải, nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại.
Nhiều nước đang bắt đầu phục hồi kinh tế, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng cao; xung đột Nga - Ukraine cũng là nhân tố đẩy giá xăng dầu và nhiều mặt hàng tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên. Tuy nhiên, xung đột đã xảy ra 4 tháng nay và chỉ ở mức độ giới hạn, giá dầu thô thế giới đã xác lập mức cao quanh mốc 110 - 120 USD/thùng và ít có khả năng tăng cao hơn, thậm chí có thể hạ thấp do tăng nguồn cung từ Venezuela, Iran.
Giá nguyên vật liệu đầu vào cơ bản đã ổn định. Sức ép lạm phát do tăng giá đầu vào trong các tháng cuối năm không lớn như 6 tháng đầu năm.
Một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất tại Việt Nam như sắt thép, đồng, nhôm, thức ăn chăn nuôi, phân bón... đã tăng giá mạnh trong giai đoạn trước, nhưng sang 6 tháng cuối năm 2022 mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.
Việt Nam đang là một quốc gia xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn của thế giới. Sức ép lạm phát từ tăng giá lương thực, thực phẩm sẽ thấp hơn nhiều quốc gia khác, thậm chí còn được bù đắp bởi sự gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản.
"Với các yếu tố nêu trên, tôi cho rằng, sức ép lạm phát cuối năm có thể giảm dần. Bên cạnh đó, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế cuối năm rất lớn, sẽ tạo đà để Chính phủ thực hiện mục tiêu về các cân đối lớn của nền kinh tế", ông Thịnh nhận định.
Hòa Bình