Chuyên gia: Đột biến mới thực sự có thể đã xuất hiện tại Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
12/01/2023 03:10:06

Nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc đã thừa nhận rằng có khả năng đã xuất hiện một chủng COVID-19 đột biến mới.

Chuyên gia Ngô Tôn Hữu (Zunyou Wu), nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, đã thừa nhận rằng trong đợt dịch bệnh đang lan rộng hiện nay thực sự có khả năng đã xuất hiện một chủng COVID-19 đột biến mới.

Bệnh viện ở Thượng Hải chật kín người. (Ảnh chụp màn hình video)

Mặc dù giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng dịch bệnh có xu hướng giảm liên tục và đã qua đỉnh dịch, nhưng đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng vọt.

Trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền đã nhiều lần thực thi các biện pháp ngăn chặn cực đoan, gây ra sự bất bình rộng rãi trong công chúng và các thảm họa thứ cấp ở nhiều nơi.

Trước áp lực của dư luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức nới lỏng kiểm soát dịch vào đầu tháng 12/2022, mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào. Kết quả là một đợt dịch bệnh mới đã tấn công Trung Quốc.

Các triệu chứng của nhiều bệnh nhân bị nhiễm COVID nghiêm trọng hơn nhiều so với dự kiến, thậm chí còn xuất hiện hiện tượng phổi trắng. Vì vậy, ngoại giới nghi ngờ liệu có phải chủng COVID ban đầu khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2020 xuất hiện trở lại và lây lan khắp nơi.

Mời xem thêm các bài về dịch bệnh ở Trung Quốc tại đây .


Tuy nhiên, giới chức của ĐCSTQ đã chính thức phủ nhận điều này. Kênh truyền thông nhà nước “Tân Hoa Xã” đã dẫn lời ông Hứa Văn Ba, Giám đốc Viện Virus thuộc CDC Trung Quốc, tuyên bố rằng không có chủng đột biến mới nào được tìm thấy ở Trung Quốc, và không tìm thấy sự tái tổ hợp của virus biến thể Delta và virus biến thể Omicron.

Ông Hứa Văn Ba cho biết từ đầu đến cuối tháng 12/2022, 31 phân nhóm virus đã xuất hiện ở Trung Quốc, gồm BQ.1, XBB, đều thuộc các chủng virus biến thể Omicron, và không tìm thấy đột biến gen đặc trưng nào. Trong số đó, tỷ lệ kết hợp của các phân nhóm BA.5.2 và BF.7 vượt quá 80% và 7 phân nhóm khác cũng phổ biến.


Truyền thông nhà nước cũng dẫn lời một số “chuyên gia Trung Quốc” bác bỏ tin đồn, chỉ ra rằng “phổi trắng” là một thuật ngữ thông tục phổ biến, và không phải tất cả các triệu chứng của “phổi trắng” đều là do virus viêm phổi Vũ Hán trực tiếp gây ra, cũng như không đồng nghĩa rằng virus ban đầu đã xuất hiện trở lại.


Ngày 8/1, bà Tiêu Nhã Huy, Giám đốc Sở Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã nhấn mạnh trên chương trình “Tin tức buổi sáng” của Đài truyền hình Trung Ương (CCTV), rằng những bệnh nhân nhẹ sẽ có một số triệu chứng như ho, sốt và viêm họng, nhưng không có triệu chứng viêm phổi.

Bà cũng chỉ ra rằng theo đánh giá từ việc phân loại các trường hợp lâm sàng của Omicron tại Trung Quốc năm 2022, tỷ lệ viêm phổi vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 8%.


Về vấn đề này, một số cư dân mạng ước tính: “Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm 50%, 700 triệu người bị nhiễm thì sẽ có 56 triệu người bị viêm phổi.”


Cũng có cư dân mạng phàn nàn: “Nhiều người mắc COVID đã không đi khám và điều trị, không chụp cắt lớp vi tính (CT), e rằng dữ liệu đã bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng.”


Một người khác mỉa mai nói: “Chẳng phải những người mắc bệnh nhẹ và không có triệu chứng chiếm 99% sao?”

Trước sự nghi ngờ lan rộng của người dân Đại Lục, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia phương Tây đã đề xuất rằng ĐCSTQ nên tăng cường tính minh bạch, và chia sẻ thông tin liên quan đến virus.


Ông Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, đã trả lời phỏng vấn độc quyền với chương trình “Tin tức CCTV” . Ông thừa nhận rằng trong số các trường hợp nhiễm COVID ở Trung Quốc, quả thực có khả năng đã xuất hiện một chủng đột biến mới, và cần được theo dõi chặt chẽ.

Ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Trung Quốc, kiêm Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc đang chuyển từ đại dịch thành dịch mang tính địa phương cục bộ.


Một số địa phương vừa qua đỉnh dịch, và một số địa phương mới bắt đầu tiến đến đỉnh dịch. Việc hạ cấp các biện pháp phòng chống dịch COVID từ “Chủng B và quản lý cấp A” xuống “Chủng B và quản lý cấp B” , là để chuẩn bị cho đại dịch, nghĩa là số người nhiễm COVID sẽ tăng đáng kể.

Hiện ít nhất hơn 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, đã áp đặt kiểm soát xuất nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc.


Trung Quốc đã tạm dừng cấp một số thị thực cho du khách Nhật Bản nhằm đáp trả yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với người dân nước này khi nhập cảnh, theo hãng tin Reuters . Trước đó, Trung Quốc đã có động thái tương tự với những du khách Hàn Quốc.

Bà Jennifer Nuzzo, Giám đốc Trung tâm Đại dịch tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, Hoa Kỳ, tin rằng với quy mô và tính minh bạch của đợt bùng phát COVID hiện tại ở Trung Quốc, các quốc gia trên thế giới đều đang căng thẳng thần kinh, và cố gắng làm chậm quá trình xâm nhập của virus.


Bình Minh (t/h)

Doanh nhân Đài Loan bị “phổi trắng lớn", bác sĩ: Ở lại Trung Quốc chỉ có đường chết

Một doanh nhân Đài Loan vừa trở về từ Trung Quốc Đại Lục, ảnh chụp X-quang cho thấy người này bị viêm phổi nặng với “lá phổi trắng lớn".

Chia sẻ Facebook