Chuyên gia đánh giá thế nào về động thái cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2% ngày 5/12 của NHNN?

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 10:42:38

TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 3 lý do chính khiến NHNN quyết định cấp thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Chuyên gia cũng chỉ ra 3 tác động chính tới nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.


TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia vừa có đánh giá nhanh về động thái cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2% ngày 5/12 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).


Theo TS. Cấn Văn Lực, có ba lý do chính khiến NHNN quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2% lúc này ; đó là: (i) bối cảnh, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều; ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá cũng dịu dần; (ii) thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại; (iii) nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.


Việc cấp tiếp hạn mức tín dụng, theo chuyên gia, sẽ có ba tác động chính : (i) góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; (ii) hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới; (iii) trong khi đó, tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực (dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…).


Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra bốn lưu ý/ khuyến nghị bao gồm: (i) các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng; (ii) đồng thời Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (nguồn vốn trung – dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn); (iii) Các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài; (iv) Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ Facebook