Chuyên gia: "Chưa thấy ai giàu bền vững mà không đầu tư tiền tích lũy"
Chuyên gia: "Chưa thấy ai giàu bền vững mà không đầu tư tiền tích lũy"
Đa số những người đã đạt được tự do tài chính khi được hỏi câu: “Kiếm từ 0 đồng lên 1 tỷ khó hơn hay kiếm từ 1 tỷ lên 10 tỷ khó hơn ?” thì đều đưa ra câu trả lời rằng kiếm từ 0 đồng lên 1 tỷ là khó nhất. Tại sao lại như vậy?
Ngày nay theo sự phát triển của xã hội thì cũng có thêm rất nhiều cách kiếm tiền khác nhau, 1 tỷ đồng đầu tiên không nhất thiết phải là từ làm công ăn lương. Mục đích ổn định cuộc sống “1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh” dần được khuyến khích trở thành “có 1 tỷ đồng đầu tiên”, như một cách thay đổi tư duy từ ổn định sang nắm được phương pháp làm giàu.
Có khá nhiều người nói về hành trình 1 tỷ đồng đầu tiên của họ như thế này: Kiếm tiền cũng giống như xây nhà. Một ngôi nhà luôn cần có nền móng vững chắc, chính là lúc từ 0 lên 1 tỷ. Nếu 1 tỷ đầu tiên đến quá dễ dàng, một kiểu bỗng dưng giàu, thì móng nhà có thể sẽ không chắc chắn vì đổ móng hơi vội.
Trong Tự do Tài chính số 44 với chủ đề ”1 tỷ đồng đầu tiên” với sự dẫn dắt của host Dương Ngọc Trinh và các chuyên gia: chị Lương Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc quản lý tài sản, Khối trong nước - Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) và anh Quang Thái - Co Founder DTX Asia đã cùng thảo luận về cách bản thân đạt được số tài sản lên đến cả tỷ đồng.
Nói về hành trình đạt 1 tỷ đầu tiên của mình, chị Mỹ Hạnh chia sẻ: Đầu tiên, rất đơn giản là phải bắt đầu đầu tư. Mình chưa thấy ai giàu bền vững mà không đầu tư tiền tích lũy từ lúc mình đi làm. Thứ 2 là phải hiểu rất rõ về mặt đầu tư. Như mình thì trước đó đã làm ở công ty quỹ rồi nên hiểu về đầu tư. Phải hiểu đúng về đầu tư. Đừng hiểu đầu tư là làm giàu nhanh, 2 khái niệm này hoàn toàn khác nhau và có thể nói là 2 mặt của 1 vấn đề. Đầu tư có nghĩa là bỏ vốn vào 1 nơi mà có thể đem những đồng lãi bền vững.
Bên cạnh đó, bàn về câu chuyện phân bổ nguồn vốn ra sao để đầu tư bền vững, anh Quang Thái nhấn mạnh rằng không có công thức chuẩn cho tất cả mọi người. Thay vào đó, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng nên đặt câu hỏi cho bản thân là khẩu vị rủi ro của mình đến đâu. Vì thường nếu không thể quản lý được lòng tham trong những thời điểm thị trường lên xuống, nhà đầu tư sẽ luôn đưa ra những quyết định sai lầm.
“Các cung bậc cảm xúc thị trường lên xuống mình đều trải nghiệm rồi. Đầu tư là phải luôn luôn dài hạn, phân bổ các hạng mục đầu tư dài hạn 70-80% trên tổng tài sản mình có. Chỉ sử dụng 20-30% cho tài sản rất rủi ro”.
“Làm thứ mình giỏi nhất sẽ gia tăng tỷ lệ cao hơn khả năng mình có thể đạt được 1 tỷ đầu tiên, chứ không phụ thuộc hẳn. Chẳng hạn, mình học về kiến trúc nhưng lại khởi nghiệp kinh doanh thì không liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh giỏi nhất còn phải có rất nhiều đam mê và nhiệt huyết”.
Chị Mỹ Hạnh bổ sung: Không chỉ làm việc bản thân giỏi, trong trường hợp nếu ai đó có thể làm tốt hơn mình thì nên để họ hỗ trợ, giúp đồng tiền của mình có thể “đẻ ra tiền" tốt hơn.
Ảnh: Moneytalk