Chuyên gia chỉ ra F0 bị tiêu chảy nhiều khả năng nhiễm Omicron

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 14:24:23

Chuyên gia chỉ ra, nếu F0 mắc các triệu chứng như chán ăn, tiêu chảy, đau bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm Omicron.


Mới đây, thông tin với Zing, tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho hay cuối 2021 tới nay, nhiều người nhiễm nCoV bị tiêu chảy, đau dạ dày, nôn mửa,... Đây không phải triệu chứng mới, nó cũng xuất hiện ở bệnh nhân nhiễm các biến thể trước của SARS-CoV-2.

Hơn 850.000 báo cáo cá nhân hàng ngày qua App Zoe Covid (chương trình hợp tác đa quốc gia của các cơ quan nghiên cứu danh tiếng như Harvard, Stanford, King’s College London) cho thấy từ tháng 12/2021-1/2022, tỷ lệ người mắc Covid-19 có vấn đề về đường tiêu hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.


Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, hiện tượng tăng tỷ lệ người gặp vấn đề tiêu hóa nhưng xét nghiệm âm tính với Covid-19 . Từ dữ liệu này, các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo mới trong giai đoạn Omicron đang bùng phát là ngoài các triệu chứng phổ biến (rát họng, sốt, mệt mỏi), những trường hợp bị đau bụng, đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn cũng có thể là dấu hiệu của việc đã nhiễm virus.

Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân khỏi Covid-19 dễ bị thay đổi thành phần vi khuẩn ruột (Ảnh minh họa)

Cơ chế SARS-CoV-2 gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa chưa được lý giải chi tiết nhưng đã có một số cơ sở để đưa ra các giả thuyết. Các tế bào biểu mô ở nhiều vị trí trong đường tiêu hóa biểu hiện ở mức cao thụ thể ACE2 (cùng một loại protein là serine protease TMPRSS2) là cánh cửa quan trọng cho sự xâm nhập của SARS-CoV-2 gây tổn thương trực tiếp cho đường tiêu hóa.

So với Delta, Omicron có khả năng tái bản nhanh gấp 70 lần trong phế quản, kém hơn ở phổi. Vì vậy, khả năng virus xuống đường tiêu hóa cao nếu bệnh nhân nhiễm Omicron. Ngoài ra, việc điều trị Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật trong đường ruột (gut microbiome) gây rối loạn chức năng tiêu hóa.

Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân khỏi Covid-19 dễ bị thay đổi thành phần vi khuẩn ruột, giảm vi khuẩn có lợi, tăng vi khuẩn có hại. Sự mất cân bằng này khiến phản ứng cơ thể nặng do vi sinh đường ruột ảnh hưởng hệ thống miễn dịch. Ví dụ làm mức độ phản ứng viêm nặng hơn hoặc góp phần gây ra bão cytokine.

Người mắc bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa, tâm lý stress, dùng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trên, hoặc do bội nhiễm vi khuẩn cơ hội, nhiễm virus khác, ho liên tục gây đau cơ bụng.

“Người chưa mắc Covid-19 bị tiêu chảy, đau bụng, chán ăn,…không nên coi nhẹ. Trong giai đoạn hiện nay nếu có thêm dấu hiệu điển hình của Covid-19 thì khả năng cao người đó đã nhiễm Omicron”, tiến sĩ Minh cho hay.

Dù thế, bác sĩ cho rằng người bệnh không nên quá lo lắng khi có các triệu chứng này bởi phần lớn triệu chứng không kéo dài và chưa cần can thiệp bằng thuốc.


Phải làm gì khi bị tiêu chảy?


Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Trần Ngọc Ánh - trưởng khoa nội tổng hợp, chuyên ngành tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết tiêu chảy là triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân sau khi nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy COVID-19 khiến tăng men gan gây rối loạn tiêu hóa.

Người bệnh có thể bị tiêu chảy 3-5 lần trong một ngày. Với trường hợp tiêu chảy dưới 5 lần/ngày, bệnh nhân có thể uống nước, bù điện giải, không cần dùng kháng sinh, sau 3-5 ngày sẽ khỏi bệnh.

Trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy trên 5 ngày hoặc phân có dịch nhầy hay máu thì cần phải chú ý. Lúc này cần đến cơ sở y tế thăm khám tìm nguyên nhân chảy máu do có tổn thương niêm mạc.

Để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sau khi mắc COVID-19, bác sĩ Tiến khuyến cáo người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi được sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, sau khi mắc COVID-19 cần có chế độ ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế đồ ăn dầu mỡ… để hệ tiêu hóa phục hồi.


Hồng Anh (Tổng Hợp)

Chia sẻ Facebook