Chuyên gia chỉ ra 3 sai lầm của cha mẹ gián tiếp hủy hoại tương lai con trẻ
Đôi khi vì muốn tốt cho con mà nhiều cha mẹ đã vô tình mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng.
Con cái là tài sản quý giá nhất của cha mẹ. Vì con, cha mẹ có thể làm mọi điều, hy sinh mọi thứ, thậm chí là cả tính mạng với mong muốn con được mạnh khoẻ, phát triển toàn diện. Nhưng chính vì quá yêu thương, lo lắng cho con đã khiến nhiều cha mẹ vô tình mắc phải những sai lầm không đáng có.
Báo Phụ Nữ Việt Nam thông tin, nếu muốn tốt cho con, cha mẹ nên tránh những sai lầm sau đây:
Không nên quá dễ dàng với con: Nhiều cha mẹ thường suy nghĩ: "Trẻ sẽ ngoan hơn khi chúng lớn lên, người lớn không cần quá khắt khe khiến trẻ dễ đánh mất cái tôi". Chính lối nghĩ này là "con dao" vô hình huỷ hoại tương lai trẻ. Khi thấy cha mẹ dễ dàng thoả hiệp, trẻ sẽ từng bước đánh mất những nguyên tắc, quy định đã đặt ra trước đó.
Muốn con phát triển toàn diện, trở nên ưu tú, cha mẹ tuyệt đối không nuông chiều, đồng ý mọi điều một cách dễ dàng. Đừng vì thương con mà đáp ứng mọi chuyện một cách mù quáng! Nếu trẻ vẫn tiếp tục vòi vĩnh, hãy kỷ luật nghiêm khắc nhưng cần khéo léo tránh làm tổn thương tâm lý trẻ.
Hạn chế thói quen điều khiển con cái: Nhiều bậc cha mẹ có thói quen kiểm soát con cái, không cho con phản kháng, bắt con nghe theo mọi điều. Tuy nhiên, đây là phương pháp giáo dục cực đoan vì đến một ngày nào đó, trẻ sẽ nổi loạn, chống đối mạnh mẽ, thậm chí là thực hiện một số hành vi quá khích. Việc điều khiển con cái giống như "con dao" sắc bén làm hại trẻ. Nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến những đứa trẻ sống không có quan điểm, không có chính kiến bản thân.
Những đứa trẻ sống trong sự điều khiển chỉ để làm vui lòng cha mẹ. Khi lớn lên, chúng trở thành người thiếu quyết đoán, luôn làm hài lòng người khác một cách vô điều kiện. Vì thế, tuy đặt ra những quy định, nguyên tắc nghiêm khắc nhưng cha mẹ nên điều chỉnh tuỳ từng giai đoạn sao cho phù hợp.
Không nên quá bao bọc con: Trong quá trình nuôi dạy con cái, nhiều người thường bao bọc con quá mức. Họ không để con động vào việc gì, tự mình làm tất cả. Nhưng việc bao bọc chính là con dao huỷ hoại tương lai của trẻ. Khi lớn lên, chúng không có khả năng tự chăm sóc bản thân và không kiểm soát được cảm xúc do được cha mẹ chiều chuộng quá mức. Trẻ cũng hình thành tính cách gắt gỏng, ích kỷ, lười biếng khiến mọi người xung quanh xa lánh.
Hãy nhớ, đối với những người đã được trải nghiệm đầy đủ từ nhỏ, có khả năng tự chăm sóc bản thân và khả năng độc lập mạnh mẽ, họ sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề và tìm ra hướng đi cho mình. Ngược lại, những người lớn lên được cha mẹ bao bọc sẽ khó thích nghi và bị mất phương hướng.
Cùng bàn về kỹ năng nuôi dạy con cái, Robert Epstein, nhà nghiên cứu tâm lý học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Hoa Kỳ, đã xem xét dữ liệu từ 2.000 bậc cha mẹ (những người đã làm bài kiểm tra trực tuyến về các kỹ năng nuôi dạy con cái) để xác định xem các bậc cha mẹ đang thực hành kỹ năng nuôi dạy con cái ra sao và bằng cách nào nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công.
Báo Dân trí cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu, Epstein và nhóm của ông đã phát hiện ra những kỹ năng có thể dẫn tới thành quả nuôi dạy con cái tốt nhất:
Tình yêu và tình thương: Biết cách thể hiện tình yêu thương là kỹ năng số một được các nhà nghiên cứu đánh giá là cần thiết để nuôi dạy con cái. Điều này bao gồm việc thể hiện tình yêu thương, sự ủng hộ và sự chấp nhận vô điều kiện với con cái. Kỹ năng này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con.
Giáo dục và học tập: Dạy trẻ trở thành người học suốt đời ngay từ khi trẻ chưa tới trường. Điều này bao gồm việc đánh giá chính xác giá trị của giáo dục, xây dựng mô hình học tập phù hợp và cung cấp các cơ hội phát triển cho con cái.
Kỹ năng sống: Cung cấp kỹ năng theo nhu cầu của từng đứa trẻ và lập kế hoạch các loại kỹ năng cần có cho đứa trẻ trong tương lai. Điều này bao gồm việc dạy cho con nhìn nhận tích cực các trở ngại và thách thức trên đường đời, giúp con phát triển khả năng phục hồi sau vấp ngã cùng với tính kiên nhẫn.
Kỹ năng kiểm soát sự căng thẳng: Việc kiểm soát sự căng thẳng không chỉ quan trọng với chính người làm cha mẹ mà còn rất quan trọng trong việc dạy con cách kiểm soát căng thẳng cũng như thư giãn.
Sức khỏe : Cha mẹ có biết tự chăm sóc sức khỏe sẽ dạy con cái cách xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục và các lựa chọn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Tự chủ và độc lập: Khi cha mẹ nuôi dưỡng tính tự chủ và độc lập của con cái, chúng biết rằng cha mẹ tôn trọng và tin tưởng vào khả năng của chúng.
Hồng Anh (t/h)