Chuyên gia chỉ dấu hiệu nhóm người này có nguy cơ cao mắc ung thư
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng ung thư thực quản có thể gặp như khó nuốt, thức ăn trào ngược, ợ chua, sụt cân và ho dai dẳng...
Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản
Khó nuốt: Theo Very Well Health, khó nuốt là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thực quản. 90-95% những người bị ung thư thực quản gặp phải triệu chứng khó nuốt. Khi bị ung thư, thực quản hẹp lại, thức ăn khó đi qua và khó đến dạ dày. Quá trình nuốt thức ăn mất nhiều thời gian hơn bình thường, khiến người bệnh bị nghẹn, luôn có cảm giác thức ăn bị mắc kẹt.
Ban đầu, người bị ung thư thực quản chỉ cảm thấy khó nuốt với thức ăn rắn, có kích thước lớn nhưng về sau, việc nuốt thức ăn mềm, chất lỏng cũng khiến họ cảm thấy đau. Sự thay đổi của thực quản buộc người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống một cách vô thức, chẳng hạn như nhai kỹ, chậm hơn và thích ăn thức ăn mềm hơn.
Sụt cân nghiêm trọng: Giảm cân không chủ ý rất phổ biến khi mắc ung thư. Giảm cân không chủ ý là khi một người mất đi từ 5% trọng lượng cơ thể trở lên trong khoảng thời gian 6-12 tháng mà không nhịn ăn hay tập luyện. Sụt cân có thể do khó nuốt, thiếu dinh dưỡng và sự thay đổi trong chuyển hóa của chính khối u ở thanh quản.
Ho dai dẳng: Ho dai dẳng xuất hiện ở khoảng 20% những người được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Kiểu ho phổ biến là ho khan, gây khó chịu và xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Tình trạng ho có thể nặng hơn sau khi ăn.
Nôn ói thường xuyên: Thức ăn gặp khó khăn khi đi qua thực quản, nó gây ra trào ngược, nôn trớ. Theo Very Well Health, khoảng 40% những người bị ung thư thực quản cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Họ có thể nôn ra thức ăn hoặc máu, đặc biệt khi khối u bắt đầu chảy máu.
Khàn tiếng: Cảm giác khàn giọng, mất tiếng hoặc phải hắng giọng thường xuyên có thể là triệu chứng ban đầu của ung thư thực quản. Tuy nhiên, khàn giọng cũng có thể do nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm họng nên rất khó phân biệt. Khàn giọng do ung thư thực quản thường liên quan đến dây thần kinh được gọi là dây thần kinh thanh quản tái phát.
Ợ chua, khó tiêu: Cảm giác nóng rát ở cổ họng, ợ chua thường bắt đầu sau một bữa ăn quá no. Triệu chứng này xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau như trào ngược axit, trào ngược dạ dày thực quản. Đối với những người bị trào ngược axit, sự thay đổi về chất lượng hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ợ chua có thể báo hiệu sự hiện diện của ung thư thực quản.
Bệnh ung thư thực quản giai đoạn nào nguy hiểm nhất?
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản, các bác sĩ sẽ bước vào đánh giá giai đoạn của bệnh ung thư:
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
Giai đoạn 2: Là khi tế bào ung thư đã xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Giai đoạn 3: Trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xấm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản.
Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như: gan, phổi, não, xương. Ở giai đoạn này, cần sử dụng các phương pháp y học như: Chụp cắt lớp vi tính, xạ hinh xương, nội soi phế quản để chẩn đoán bệnh.
Để chẩn đoán ung thư thực quản, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như chụp ảnh thực quản có uống thuốc cản quang; nội soi thực quản. Nếu có nghi ngờ vùng bất thường của thực quản, bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm tế bào và mô bệnh học làm giải phẫu bệnh, từ đó nhìn thấy tổ chức ung thư hoặc các bất thường dẫn đến ung thư hay tổn thương khác.
Phác đồ điều trị bệnh phụ thuộc một số yếu tố như kích thước, vị trí, sự lan tràn khối u và tình trạng chung của bệnh nhân. Phẫu thuật là biện pháp chủ yếu điều trị ung thư thực quản. Thông thường khối u được mổ lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa. Bên cạnh đó, còn các phương pháp như xạ trị, hóa trị, điều trị laser, điều trị quang động học…
Việc tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.
Cách phòng bệnh
Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: Do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.
Không hút thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Vì thế việc để phòng ung thư thực quản chúng ta cần tránh hút thuốc lá.
Hạn chế đồ ăn nhanh: Cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
Ăn uống khoa học: Chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh….
Duy trì lối sống lành mạnh: Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày - thực quản trong đó có ung thư. Theo đó, việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe .
Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.
Ung thư biểu mô vẩy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản. Phác đồ điều trị gần giống nhau ở cả hai loại ung thư thực quản.
Khi khối u phát triển ra ngoài thực quản, đầu tiên khối u thường đi đến hệ bạch huyết và cũng có thể xâm lấn ra hầu hết các bộ phận khác của cơ thể bao gồm: gan, phổi, não, xương…
Trúc Chi (theo VTC News, Vnexpress )