Chuyên gia chỉ cách nhận biết sớm trẻ trầm cảm, có suy nghĩ tự sát
Theo chuyên gia, có một số dấu hiệu ở trẻ cảnh báo bệnh tâm lý, trầm cảm và suy nghĩ muốn tự sát mà phụ huynh không khó để nhận ra.
Cùng một ngày, hai vụ việc trẻ vị thành niên tự tử (ở Hà Nội và Bắc Ninh) xảy ra liên tiếp khiến không ít người xót xa. Từ những lá thư tuyệt mệnh để lại, có thể các em đã tự dằn vặt trong suy nghĩ tiêu cực, có vấn đề tâm lý suốt thời gian dài.
Theo các bác sĩ, thực tế, tình trạng trẻ vị thành niên gặp vấn đề tâm lý, rối lọan lo âu, trầm cảm và có ý định tự sát đang rất phổ biến. Nhiều trường hợp trong đó không thể cứu vãn, lựa chọn cái chết là con đường giải thoát duy nhất. Đáng tiếc là trước đó, trẻ đã có những dấu hiệu của trầm cảm, nhưng gia đình không nhận ra hoặc không lường trước được hậu quả.
Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, có một số dấu hiện ở trẻ cảnh báo bệnh tâm lý, trầm cảm mà phụ huynh không khó để nhận ra.
Cụ thể, trẻ không nghe lời, căng thẳng, phản ứng thái quá, có tình trạng thu rút lại, không cởi mở, không nói chuyện với bố mẹ. Tính khí trẻ cáu gắt bất thường, dễ khóc, dễ xung đột. Bé có thể rất sợ giao tiếp, ngại đi học, kém hòa đồng.
Một dấu hiệu cần cảnh giác khác là vấn đề khó ngủ, ngủ không sâu giấc ở trẻ. Theo TS Thu, trẻ em vô tư nên thường đi vào giấc ngủ rất dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không ốm đau nhưng trẻ lại ngủ kém, trằn trọc không ngủ được suốt thời gian dài thì rất có thể con đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, trẻ có bệnh tâm lý, trầm cảm cũng thường ăn kém, thậm chí không chịu ăn dẫn tới sút cân. Mệt mỏi, căng thẳng kéo dài cũng khiến bé hay quên, học hành không hiệu quả. Trường hợp tinh thần rất xấu còn làm phát sinh các chứng đau kéo dài, hay gặp nhất là đau đầu, đau bụng. “Có những trường hợp, trẻ cứ đến giờ đi học là đau bụng, rối loạn tiêu hóa”, TS Thu nói.
Theo TS Thu, những trẻ gặp vấn đề tâm lý, trầm cảm dần dần sẽ xuất hiện cảm giác tự ti, thất vọng về bản thân. Bé sẽ cảm thấy có lỗi, tự buộc tội cho mình, tuyệt vọng, bế tắc không lối thoát. Bệnh nhân coi cái chết là lối thoát duy nhất nên bắt đầu có suy nghĩ tiêu cực và tìm cách để tự sát.
Có một số dấu hiệu để nhận ra trẻ đang có suy nghĩ tự sát.
Thứ nhất, con đột nhiên phấn khởi một cách lạ thường. Theo TS Thu, đây là biểu hiện trấn an bản thân, cảm thấy đã có lối thoát nên phấn khởi hơn. Thứ hai, bé cũng có thể trầm uất nặng nề hơn. Trẻ trăn trở, giằng xé, khó xử nên sẽ có thái độ bất mãn. Thứ ba, trẻ có thể nói những câu chuyện kỳ quặc, nói vu vơ về những chuyện liên quan đến cái chết hoặc dọa tự tử.
“Khi con có các dấu hiệu bất thường về tâm lý nói trên, cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ sàng lọc, tư vấn, can thiệp”, TS nhấn mạnh.
TS Thu rất nhớ trường hợp 1 nam bệnh nhân đang học cấp 3 tại Hà Nội. Trẻ đã có dấu hiệu trầm uất, khó chịu, cáu bẳn suốt thời gian dài. Tuy nhiên, bố mẹ đều không chấp nhận việc con gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, kiên quyết không đưa đi khám dù đã có người thân nhắc nhở.
“Gia đình bệnh nhân nghĩ con chỉ khó chịu với bố mẹ, còn đối với anh em họ hàng hay bạn bè đều rất cởi mở, tươi cười nên cho rằng con không sao. Đây là suy nghĩ sai lầm. Thực tế, trẻ chỉ cáu với bố mẹ bởi coi đó là nơi an toàn nhất để giải tỏa. Còn ở lớp hay sang nhà họ hàng, trẻ phải đeo “mặt nạ”, không được bộc lộ cảm xúc thật”, TS Thu nói.
Trường hợp này sau đó đã có 2 lần uống thuốc sâu tự tử, nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời. Khi gia đình đưa cậu bé tới gặp TS Thu xin thăm khám, trẻ đã trong tình trạng trầm cảm rất nặng, không còn muốn nói chuyện, tiếp xúc với bố mẹ, thậm chí không muốn ngồi ăn cơm chung bàn.
“Nếu bệnh nhân không đi khám, không được chữa trị thì cái chết chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi trẻ luôn có suy nghĩ tự tử”, TS Thu chia sẻ.
Để phòng tránh các vấn đề tâm lý, trầm cảm cho trẻ, theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, cha mẹ cần thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của con, tìm cách giúp trẻ nói hết mọi suy nghĩ mình. TS Thu cho rằng, “bố mẹ có hạnh phúc thì con mới được chăm sóc tốt nhất”, bởi vậy bố mẹ trước tiên phải chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần thần của bản thân, khi tinh thần thoải mái mới có thể hiểu con hơn, giảm được việc mắng mỏ, chỉ trích đứa trẻ sai cách.
Bên cạnh đó, nên có sự gần gũi, quan tâm đến con, lắng nghe, chia sẻ với các bé nhiều hơn và cố gắng đặt bản thân vào địa vị của trẻ để giải quyết vấn đề.
“Ví dụ, trẻ hay cáu gắt là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi con gặp vấn đề tâm lý. Nếu thấy bé liên tục phản ứng như vậy mà chúng ta lại cho qua, xem nhẹ, thậm chí “cậy quyền”, mắng mỏ thêm thì có thể con sẽ cảm thấy không còn lối thoát nào nữa”, TS Thu chia sẻ.
Nguyễn Liên