Chuyện gì đang diễn ra ở Credit Suisse?

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 11:08:45

Vài tháng qua, những lời đồn xoay quanh tương lai của Credit Suisse đã râm ran trên thị trường, trong giới doanh nghiệp và cả giới chính trị. Nếu Credit Suisse lâm nguy, giới đầu tư lo ngại sẽ xảy ra một cú sốc tương tự với vụ phá sản của Lehman Brothers trong năm 2008. Thậm chí, có thể châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.

Chuyện gì đang diễn ra ở Credit Suisse?

Là ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sỹ và cũng là một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới, Credit Suisse nay chìm trong khủng hoảng. Hiện nhà băng này đang trong cuộc chiến sinh tồn, với bức tranh tài chính u ám và tình hình kinh doanh không mấy khả quan.


Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm một mạch 55% so với đầu năm. Một năm trước, Credit Suisse có vốn hóa thị trường 22.3 tỷ USD , nay con số này chỉ còn 10 tỷ USD .

Đây là một cơn ác mộng thật sự với một ngân hàng đã từng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 một cách nhẹ nhàng. Tại thời điểm đó, cổ phiếu Credit Suisse cũng giảm, nhưng không quá mạnh.

Từ vị thế là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, điều gì đã đẩy Credit Suisse chìm trong rắc rối tài chính?


Nguy cơ về thanh khoản dâng cao

CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra.

Credit Suisse đang là tâm điểm chú ý vài ngày qua, nhất là sau khi khoản phí với hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Credit Suisse tăng mạnh lên 250 điểm cơ bản (2.5%). Điều này làm dấy lên nỗi lo về bức tranh tài chính cũng như khả năng vỡ nợ của Ngân hàng Thụy Sỹ.

Trên thực tế, mỗi quan ngại về tình hình tài chính của Credit Suisse đã nổi lên từ trước khi Reuters đưa tin nhà băng này đã tiếp cận với các nhà đầu tư để bàn về khả năng huy động thêm vốn trong ngày 23/09.

Tuy nhiên, sau đó một giám đốc của Credit Suisse đã lên tiếng phủ nhận, cho rằng Credit Suisse đang cố không huy động vốn khi giá cổ phiếu ở mức thấp kỷ lục và chi phí vay cao hơn (vì mới bị hạ bậc tín nhiệm). Bất chấp lời trấn an từ giám đốc Credit Suisse, cổ phiếu ngân hàng này vẫn giảm mạnh 10% trong ngày 03/10.


Lay hoay trong thua lỗ

Ngoài ra, bức tranh tài chính của Credit Suisse mang gam màu ảm đạm sau khi kinh doanh thua lỗ trong nhiều quý liên tiếp.


Trong quý gần nhất (quý 2/2022), Credit Suisse báo lỗ 1.65 tỷ USD , mặc dù các đại gia khác như Deutsche Bank và UBS báo kết quả tích cực trong giai đoạn này. Phần lớn khoản lỗ này đến từ mảng ngân hàng đầu tư (lỗ 1.2 tỷ USD ). Tại thời điểm đó, lãnh đạo Credit Suisse đánh giá kết quả quý 2/2022 thật “đáng thất vọng” và “bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài như địa chính trị, kinh tế vĩ mô và các yếu tố thị trường”.


Sau kết quả kinh doanh bết bát, cựu CEO Thomas Gottstein từ chức và nhường lại vị trí này cho ông Ulrich Koerner. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng hạ bậc của Credit Suisse từ “BBB+” xuống “BBB”, với triển vọng tiêu cực.


Trên thực tế, kết quả kinh doanh của ngân hàng Thụy Sỹ này đã trở xấu từ năm ngoái, khi ngân hàng này vướng vào bê bối liên quan tới vụ đổ vỡ của công ty Archegos Capital Management và Greensill. Trong năm 2021, Credit Suisse lỗ 1.67 tỷ USD .


Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, mảng ngân hàng ở Thụy Sỹ và quản lý tài sản của Credit Suisse vẫn lãi lớn hơn 1.1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Lãi lỗ từng mảng kinh doanh của Credit Suisse Nguồn: Credit Suisse


Nhiều nhân sự tài năng rời đi

Giữa lúc khó khăn, Credit Suisse cân nhắc các biện pháp thắt lưng buộc bụng, như giảm nhân sự, giảm bớt quy mô kinh doanh tại các chi nhánh (chẳng hạn như chi nhánh ở Trung Quốc).

Góp phần tác động tới việc kinh doanh của ngân hàng Thụy Sỹ này là việc các nhân sự tài năng lần lượt rời đi. Gần đây, một trong những nhân sự quan trọng là Jens Welter đã rời đi và chuyển sang gia nhập Citigroup sau hơn 27 năm gắn bó. Ông Welter trước đó là trưởng bộ phận ngân hàng toàn cầu tại Citigroup. Kế đó, Daniel McCarthy, trưởng bộ phận sản phẩm tín dụng toàn cầu, cũng “chia tay” Credit Suisse.


Lời trấn an từ CEO

Trong bối cảnh kinh doanh thất bát, cổ phiếu lao dốc, Giám đốc điều hành Ulrich Korner đã lên tiếng trấn an các nhân viên, nói rằng tình hình vốn tại Công ty vẫn mạnh và đà giảm của giá cổ phiếu không phản ánh tình hình vốn tại công ty.

“Tôi biết rằng có nhiều bất ổn và lời đồn đại từ cả trong và ngoài Công ty. Hiện tôi chưa thể tiết lộ kế hoạch chuyển đổi trước ngày 27/10, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng các bạn nghe trực tiếp từ tôi trong giai đoạn thử thách này. Do đó, tôi sẽ gửi cập nhật thường xuyên cho các bạn cho tới thời điểm đó”, ông nói.


Trong thông báo, vị CEO Credit Suisse lý giải “đây là thời khắc quan trọng” của ngân hàng, đồng thời cảnh báo các nhân viên rằng những lời đồn và suy đoán sẽ tiếp tục và ngày càng lớn hơn.

Ông cũng trấn an rằng giá cổ phiếu không phản ánh tình hình tài chính của Công ty. “Tôi tin rằng các bạn không nhầm lẫn giữa diễn biến hàng ngày của giá cổ phiếu với tình hình vốn và thanh khoản của Credit Suisse. Chúng ta đang trong quá trình tái định hình lại Credit Suisse cho một tương lai dài hạn bền vững. Tôi tự tin rằng chúng ta có đầy đủ yếu tố để thành công”.

Ở diễn biến gần nhất, một giám đốc của Credit Suisse bác bỏ thông tin nói rằng Credit Suisse đã chính thức tiếp cận với các nhà đầu tư để bàn về khả năng huy động thêm vốn. Ông nói rằng Credit Suisse đang cố không huy động vốn khi giá cổ phiếu ở mức thấp kỷ lục và chi phí vay cao hơn (vì mới bị hạ bậc tín nhiệm).

“Đội ngũ của chúng tôi đang tích cực trao đổi với các khách hàng và đối tác lớn vào cuối tuần trước”, một giám đốc tại Credit Suisse cho biết. “Chúng tôi cũng nhận được những cuộc gọi từ các nhà đầu tư hàng đầu của Credit Suisse, họ gửi thông điệp ủng hộ tới Credit Suisse”.

Vũ Hạo

Chia sẻ Facebook