Chuyện gì đã xảy ra với những con những con kỳ lân Siberia cuối cùng?
Elasmotherium, còn được gọi là tê giác khổng lồ hoặc kỳ lân Siberia khổng lồ, là một loài tê giác đã tuyệt chủng sống ở khu vực Á-Âu cuối kỷ Pliocen và kỷ Pleistocen. Chúng đã được ghi nhận là có niên đại từ 2,6 triệu năm trước, nhưng các hóa thạch gần đây lại hoàn toàn khác, chúng đến từ khoảng 29.000 năm trước.
E. sibiricum là loại được biết đến nhiều nhất, và chúng có kích thước tương đương với một con voi ma mút, toàn bộ cơ thể của chúng được bao phủ đầy lông và được cho là có một chiếc sừng lớn nhô ra khỏi trán, do đó chúng còn có tên là "Kỳ lân Siberia". Theo những mô tả ước tính ban đầu, con quái vật này cao khoảng 2 mét, dài 4,5 mét và nặng 4 tấn.
Giải mã câu chuyện về kỳ lân Siberia
Loài Elasmotherium được đặt tên lần đầu tiên vào năm 1808 bởi Johan Fischer von Waldheim, Dirécteur Perpétuel thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Đại học Moscow sa khi nghiên cứu hóa thạch chiếc hàm dưới, được Yekaterina Romanovna Vorontsova-Dashkova tặng cho bảo tàng.
Trước đó, giới cổ sinh vật cho rằng loài tê giác khổng lồ này đã tuyệt chủng cách đây 350.000 năm. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2016, một hộp sọ của loài này đã được tìm thấy ở vùng Pavlodar của Kazakhstan và cung cấp bằng chứng chứng minh rằng loài vật này đã sống cho đến kỷ nguyên Pleistocen, khoảng 29.000 năm trước. Dựa trên kích thước và tình trạng của hộp sọ, người ta cho rằng đó là một con đực rất già, nhưng không chắc con vật này đã chết như thế nào.
Theo đó, nhiều giả thuyết khác về chế đọ dinh dưỡng cũng như vóc dáng của loài này thời điểm đó đã xuất hiện. Nhiều người cho rằng, do sự thay đổi khí hậu và biến đổi của hệ thực vật, loài này đã tiến hóa và sở hữu thân hình để có thể phi nước đại như loài ngựa, một số lại cho rằng chúng sẽ giống một con bò rừng, những người khác thì lại tin rằng loài này đã tiến hóa để sống trong đầm lầy, hoặc có thể sinh sống như loài hà mã.
Tranh luận về sự tuyệt chủng và sừng của kỳ lân Siberia
Vấn đề về chiếc sừng kỳ lạ của loài này cho tới nãy vẫn đang được tranh luận rất nhiều, và chủ yếu liên quan đến việc loài này có một chiếc sừng hay có thể phân hóa thành loài có hai sừng giống như những loài tê giác hiện đại, chiếc sừng của nó có thể lớn như thế nào và nó được sử dụng để làm gì.
Các đặc trưng kỳ dị về hình thái của tê giác Elasmotherium cũng tạo ra 2 giả thuyết về sự xuất hiện và đặc trưng môi trường sống của chúng. Giả thuyết thứ nhất, cho rằng chúng là loài động vật to lớn có lông mịn như len và sừng to ở trán, sinh sống trên các thảo nguyên.
Giả thuyết thứ hai coi Elasmotherium là các sinh vật sống ven sông. Rất có thể là Elasmotherium sinh sống trong cả hai môi trường này. Các đặc trưng về bộ răng và hộp sọ hỗ trợ cho giả thuyết thứ hai.
Nhiều giả thuyết cho rằng chiếc sừng đặc biệt lớn của chúng có những chức năng bao gồm phòng thủ, thu hút bạn tình, xua đuổi đối thủ cạnh tranh, đào tuyết để tìm cỏ, và đào đất để tìm kiếm nước, rễ cây. Vì những con thú này là động vật ăn cỏ, giống như tê giác hiện đại của chúng ta, cho nên những chiếc sừng này không thể được sử dụng để tấn công chủ động hoặc giết con mồi.
Tuy nhiên những mẫu vật hóa thạch mà chúng ta thu thập được từ trước cho tới nay vẫn còn hạn chế, và mới chỉ chứng minh được rằng đây là một loài có sừng và được bao phủ bởi lông, giống như loài voi ma mút lông cừu.
Bằng chứng chính cho thấy kỳ lân Siberia có sừng chính là phần nhô ra phía trước trên hộp sọ, điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà cổ sinh vật học vào thế kỷ 19 và ngay lập tức được hiểu là cơ sở cho một chiếc sừng.
Bằng chứng cũng cho thấy rằng chiếc sừng sẽ không có hình tròn. Điều này được hỗ trợ bởi một hóa thạch có một vết thương thủng không tròn, đã lành một phần ở phần đáy, thường được hiểu là kết quả của việc chiến đấu với một con đực khác bằng sừng.
Trong khi những con đực sẽ chiến đấu vì lãnh thổ của mình, thì môi trường sống của chúng trải dài từ sông Don đến phía đông của Kazakhstan hiện đại. Những phát hiện còn sót lại cho thấy nơi cư trú lâu đời của những con tê giác cổ đại này ở phía đông nam của Đồng bằng Tây Siberi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm ra được lý do rõ ràng tại sao những con kỳ lân Siberia cuối cùng lại chết.
Con người và loài kỳ lần
Truyền thuyết về kỳ lân, hay con thú chỉ có một sừng, đã xuất hiện hàng thiên niên kỷ ở Trung Quốc và Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và rất nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, những miêu tả về loài này ở các nền văn hóa khác nhau lại đều có điểm chung rằng đây là loài vật có một chiếc sừng duy nhất, và theo đó là thân hình khá to lớn.
Ngoài ra, giới khảo cổ học còn phát hiện một chiếc bình bằng đồng từ thời Chiến quốc cho thấy một con vật rất giống con vật được mô tả trong các bức tranh hang động thời tiền sử, được cho là Elasmotherium: một con vật cúi đầu xuống để gặm cỏ với một chiếc sừng nhô ra khỏi trán.
Năm 1866, Vasily Radlov tìm thấy một truyền thuyết dân gian của người Yakuts ở Siberia nói về một "con bò đen khổng lồ" bị giết bởi một ngọn giáo. Con quái vật được cho là có một sừng duy nhất và nó lớn đến mức nó phải được vận chuyển bằng xe trượt tuyết. Các truyền thuyết khác lưu truyền trong vùng này cũng thường nhắc đến một con bò đực lông dài có thân hình to lớn màu trắng hoặc xanh lam với một chiếc sừng lớn mọc trên trán.
Khi xét về thời gian tồn tại, loài tê giác khổng lồ này có thể tồn tại đến 29.000 năm trước, điều đó đồng nghĩa với việc chúng đã tồn tại và sinh sống cùng thời kỳ với người tiền sử. Do đó, theo thời gian, dù loài này đã tuyệt chủng nhưng chúng vẫn còn được lưu giữ lại trong ký ức chung của nhân loại một cách mơ màng và trở thành loài kỳ lân trong những câu truyện dân gian hay huyền thoại của loài người.