Chuyển động ngầm trên thị trường ngoại hối

Chia sẻ Facebook
16/03/2023 02:07:19

Đồng USD liên tục đi xuống trên thị trường quốc tế trong những ngày qua, giữa những rối ren của hệ thống tài chính Mỹ. Tình hình này giúp tỷ giá USD/VNĐ trong nước có những chuyển động ngầm đáng chú ý, tạo ra cơ hội mua thêm ngoại tệ của nhà điều hành.

Chuyển động ngầm trên thị trường ngoại hối


Đồng USD liên tục đi xuống trên thị trường quốc tế trong những ngày qua, giữa những rối ren của hệ thống tài chính Mỹ. Tình hình này giúp tỷ giá USD /VNĐ trong nước có những chuyển động ngầm đáng chú ý, tạo ra cơ hội mua thêm ngoại tệ của nhà điều hành.

Giảm nhanh


Ngày 13/03/2023, Vietcombank bất ngờ giảm mạnh 100 đồng tỷ giá USD /VNĐ niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra, xuống mức 23,400 – 23,470, theo đó nâng mức giảm giá mua bán USD so với cuối tháng 2 lên 200 đồng. Động thái giảm giá USD cũng đồng loạt diễn ra tại nhiều ngân hàng khác, trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế liên tiếp lao dốc trong những ngày gần đây.


Chỉ trong vòng 5 phiên từ ngày 8 đến 13/03, chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế đã rớt 2.3%, từ đỉnh cao gần 105.9 xuống 103.5, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại những diễn biến hỗn loạn mới đây trên thị trường tài chính Mỹ. Việc ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), tiếp đến là Signature Bank và Silvergate Bank sụp đổ chỉ trong vòng 1 tuần đang gây hoảng loạn trên khắp các thị trường, kéo theo những nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Trước tình hình này, một số tổ chức cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 0.25% trong cuộc họp tuần sau, thậm chí có thể ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp, đồng thời cũng chấm dứt lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Chẳng những vậy, các cơ quan quản lý của Mỹ có thể phải bơm thêm tiền để hỗ trợ hệ thống tài chính nước này tránh khỏi khủng hoảng, mà việc cả Fed, Bộ Tài chính Mỹ và cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) mới đây đồng loạt lên tiếng sẽ bơm vốn khẩn cấp hỗ trợ cho SVB và Signature Bank, cũng như những ngân hàng gặp khó khăn vì hiệu ứng lan tỏa như ngân hàng First Republic mới đây.


Điều này càng khiến giới đầu tư có lý do để bán tháo đồng USD , đẩy đồng bạc xanh giảm sâu so với nhiều tài sản khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nếu mọi thứ tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn và quả thật một cuộc khủng hoảng tài chính mới xảy đến và lan rộng khắp toàn cầu, không loại trừ khả năng đồng USD có thể bật tăng trở lại khi giới đầu tư tìm đến USD – đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới, như một tài sản an toàn. Thực tế sau cú sụp của SVB, các nhà đầu tư đã đổ xô mua vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất trái phiếu nước này giảm mạnh.

Với lãi suất tiền đồng ở mức hấp dẫn trong suốt thời gian qua cũng giúp dòng vốn dịch chuyển từ ngoại tệ tích trữ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm nhiều hơn. Gần đây dù các ngân hàng có động thái giảm mạnh lãi suất tiền gửi, nhưng rõ ràng vẫn cao hơn nhiều nếu so với trần lãi suất USD đang áp dụng ở mức 0% trong hơn 7 năm qua.


Dù vậy, diễn biến trước mắt của USD trên thị trường quốc tế đang phần nào giúp chính sách điều hành thị trường ngoại hối của các nước bớt đi áp lực. Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ trong sáng ngày 14/03 cũng giảm thêm 20 đồng, mức giảm khá lớn trong hơn 6 tháng qua. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 0.02%, quay trở lại thời kỳ ổn định sau giai đoạn biến động trong nửa cuối năm ngoái.


Trên thị trường tự do, giá USD cũng đang ghi nhận mức giảm 90 đồng ở chiều mua vào và giảm đến 140 đồng ở chiều ra, kéo chênh lệch giá mua bán xuống còn 50 đồng. Theo đó, giá mua vào trên thị trường tự do đang cao hơn giá niêm yết của các ngân hàng hơn 300 đồng, nhưng giá bán ra chỉ cao hơn 50 đồng, cho thấy nhu cầu USD là thấp và sự dồi dào của nguồn ngoại tệ hiện nay.

Tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối?


Với nguồn kiều hối đổ về mạnh mẽ trong giai đoạn cao điểm từ tháng cuối năm ngoái đến 2 tháng đầu năm nay, góp phần giúp nguồn cung ngoại tệ được cải thiện đáng kể so với giai đoạn căng thẳng cuối quý 3 đầu quý 4 năm trước. Ngoài ra, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tháng 2 vừa qua ước tính thặng dư thương mại hàng hóa lên đến 2.3 tỷ USD , nâng lũy kế xuất siêu 2 tháng đầu năm lên hơn 2.8 tỷ USD , trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 0.3 tỷ USD .


Bên cạnh đó, với lãi suất tiền đồng ở mức hấp dẫn trong suốt thời gian qua cũng giúp dòng vốn dịch chuyển từ ngoại tệ tích trữ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm  nhiều hơn. Gần đây dù các ngân hàng có động thái giảm mạnh lãi suất tiền gửi, nhưng rõ ràng vẫn cao hơn nhiều nếu so với trần lãi suất USD đang áp dụng ở mức 0% trong hơn 7 năm qua.


Trước tình hình nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn và tỷ giá giữ ổn định, dễ hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước đã có điều kiện thuận lợi để tăng cường mua ròng ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối lên cao trở lại, với con số công bố gần đây là 3.6 tỷ USD chỉ trong gần 2 tháng đầu năm nay. Với những diễn biến mới nhất, khả năng cơ quan này đang và sẽ tiếp tục tận dụng thời cơ để gia tăng dự trữ ngoại hối.

Chính sách này của nhà điều hành dù rút một lượng lớn ngoại tệ ra khỏi thị trường, nhưng đồng thời cũng bơm thêm một lượng lớn tiền đồng vào hệ thống, cộng thêm xu hướng chuyển dịch dòng vốn từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm như đã nói, đã là một trong cơ sở quan trọng giúp các ngân hàng hạ thêm lãi suất tiền gửi trong đợt đồng loạt điều chỉnh gần đây.


Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, ở hoạt động đầu tư đang cho thấy những tín hiệu kém khả quan hơn. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 3.1 tỷ USD , giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hai tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 2.55 tỷ USD , cũng giảm 4.9% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng sụt giảm của dòng vốn đầu tư nếu tiếp tục kéo dài có thể tác động tiêu cực lên không chỉ tăng trưởng kinh tế trong nước mà còn là hoạt động thương mại trong giai đoạn kế tiếp. Thực tế với chính sách thắt chặt mạnh tay của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu trong hơn 1 năm qua, đã bào mòn động lực mở rộng hoạt động và ảnh hưởng lên chính sách đầu tư ra nước ngoài của nhiều tập đoàn quốc tế, cũng như kéo theo dòng vốn quốc tế đảo chiều ngược lại về các nền kinh tế phát triển.

Nhung Võ

Chia sẻ Facebook