Chuyển đổi vị trí công tác hơn 15.000 cán bộ để phòng ngừa tham nhũng
6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính nhà nước phát hiện 30 vụ việc, 40 người có dấu hiệu tham nhũng. Thanh tra Chính phủ cho biết các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Ngày 7-7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã triển khai hơn 4.000 cuộc thanh tra hành chính và gần 78.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 25.000 tỉ đồng, 9.600ha đất. Trong đó, các cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 10.000 tỉ đồng và 134ha đất.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính nhà nước phát hiện 30 vụ việc, 40 người có dấu hiệu tham nhũng .
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong kỳ báo cáo có 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.
Đáng chú ý, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy trong 6 tháng đầu năm các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Một trong những nhiệm vụ nổi bật được Thanh tra Chính phủ thực hiện thời gian qua là cơ quan này đã hướng dẫn toàn ngành thanh tra tập trung thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra cho thấy, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ kịp thời công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp; đa số các gói thầu mua sắm được các cơ quan y tế triển khai bảo đảm trình tự thủ tục, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, các cơ quan thanh tra cũng chỉ ra rằng quá trình thực hiện việc mua sắm thiết bị y tế vẫn còn có những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu, thực hiện hợp đồng…
"Một số hàng hóa nhập khẩu chưa thể hiện đầy đủ các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, giá cả; số mặt hàng mua bán qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá sản phẩm cao hơn so với giá gốc, ngay trong quá trình thanh tra đã có những vụ việc có dấu hiệu vi phạm chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định", báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong yêu cầu các đơn vị thuộc ngành thanh tra cần đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra. Tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ", tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo.
Liên quan chủ đề này, Tuổi Trẻ đã nhận hàng trăm ý kiến của bạn đọc đóng góp, hiến kế làm sao để nạn tham nhũng không còn "đất sống". Dưới đây là ý kiến của TS CAO VŨ MINH, giảng viên Trường đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM.