Chuyển đổi số xóa bỏ tình trạng 'một tấm bằng đăng ký kinh doanh nhiều nhà thuốc' của ngành dược
Chuyển đổi số xóa bỏ tình trạng 'một tấm bằng đăng ký kinh doanh nhiều nhà thuốc' của ngành dược
Ngành dược Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do dân số già và nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn
Theo thông tin từ Hội nghị lão khoa quốc gia lần 2 hội - do Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội - hiện có trên 12 triệu người Việt từ 65 tuổi trở lên, đến năm 2036 con số này ước tính là trên 14 triệu, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (trên 73 tuổi) nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.
Trung bình một người từ 65 tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, khảo sát nhóm trên 80 tuổi trung bình mỗi cụ mắc 6,9 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già - Báo Tuổi trẻ đưa tin.
TS Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho hay các bệnh người cao tuổi hay gặp gồm bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư..., ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ...
"Chi phí y tế cho người già gấp 7-10 lần người trẻ, người cao tuổi sử dụng 50% lượng thuốc, tuy nhiên chi phí y tế sẽ không cao quá mức nếu có cách tiếp cận hợp lý" - ông Trung Anh lý giải.
Dân số già và bệnh tật của người cao tuổi gia tăng được coi là động lực phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam.
Theo báo cáo của VIRAC, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021. Việc đầu tư, nâng cấp nhà máy lên tiêu chuẩn cao nhằm đấu thầu vào kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) sẽ là lời giải cho bài toán tăng trưởng trong thời gian tới.
Chuyển đổi số và con đường số hóa với ngành dược
Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid - 19, lĩnh vực dược phẩm đã chứng kiến lượng truy cập trực tuyến trên các website chuyên ngành tăng tới 35%. Sự mở rộng của nó trên các trang web trực tuyến rất đáng chú ý.
Năm 2014, thị trường dược phẩm trực tuyến toàn cầu đạt 29 tỷ USD, dự kiến năm 2023, con số này có thể lên tới 128 tỷ USD.
Chưa vội nói về thị trường dược phẩm trực tuyến, câu chuyện chuyển đổi số của ngành dược Việt Nam trước hết bắt đầu từ hoạt động quản lý dược, một lĩnh vực lớn và phức tạp trong ngành y tế.
Việc số hóa ngành dược được triển khai bởi hệ thống quản lý thông tin hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược và hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề.
Hệ thống quản lý thông tin hành chính công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất thuốc thực hiện việc xin giấy phép nhập khẩu (sản xuất) đỡ mất thời gian và công sức hơn.
Dịch vụ công trực tuyến đã thực sự tạo ra làn gió mới cho việc nghiên cứu và sản xuất thuốc trong nước. Công ty cổ phần dược CPC1 Hà Nội, cho biết, trước đây họ phải mất 5 năm để đăng ký sản xuất hơn 150 loại thuốc khác nhau, nhưng nay chỉ mất hơn 1 năm là có thể đăng ký thêm hơn 100 loại thuốc mới, giảm được thời gian đăng ký thuốc mới hay mua các loại nguyên vật liệu chính là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất dược trong nước mở rộng sản xuất.
Theo thống kê, hiện với hệ thống thông tin quản lý hành chính công cấp độ 4, trung bình hàng năm Cục quản lý dược xử lý trên 60.000 bộ hồ sơ. Nếu không áp dụng chuyển đổi số, khối lượng hồ sơ này phải mất nhiều thời gian mới có thể xử lý xong. Chưa kể đến chuyện các sai sót của hồ sơ đều được phát hiện cảnh báo, các chi phí đi lại, vận chuyển, chuyển phát bằng 0.
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược được ví như cánh tay nối dài từ Cục quản lý dược xuống đến tận nhà thuốc, người sử dụng thuốc trong công tác quản lý điều hành khi mà toàn bộ thông tin dữ liệu thuốc từ các phần mềm quản lý nhà thuốc đều truyền về cơ sở dữ liệu ngành dược.
Hiện nay, 100% đơn vị cung ứng phần mềm quản lý nhà thuốc đều đã kết nối, liên thông dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành dược.
Từ năm 2009 đến nay, hơn 110.000 dữ liệu chứng chỉ hành nghề dược được giám sát quản lý chặt chẽ trên hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, trên 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc và 4.000 cơ sở kinh doanh bán buôn, sản xuất, xuất nhập khẩu được giám sát. Với hệ thống quản lý thông tin chứng chỉ hành nghề dược 100% việc cấp chứng chỉ hành nghề không bị trùng lặp thông tin.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề dược 100% không bị trùng lặp thông tin, góp phần xóa bỏ tình trạng "một tấm bằng có thể đăng ký kinh doanh nhiều nhà thuốc" trước đây.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề giả sẽ không xảy ra nữa, vì tất cả các chứng chỉ hành nghề do các Sở y tế cấp đều được cập nhật và báo cáo về Cục Quản lý dược qua hệ thống online này" Anh Nguyễn Huy Ngọc - chuyên viên phòng Quản lý kinh doanh dược, Cục quản lý Dược cho biết.
Trọng Nghĩa