Chuyển đổi số: Tiến trình toàn dân và toàn diện
Tiến trình chuyển đổi số đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực vừa là đối tượng thụ hưởng.
Chuyển đổi số không chỉ là lợi ích kinh tế
Trong sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2022 vừa diễn ra sáng 10/10, bên cạnh việc ghi nhận những dấu ấn, kết quả tích của Chuyển đổi số trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm phương thức phát triển mới, kịp thời nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Để thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý vận hàng quản tri xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Việt Nam hiện có 75% người dân đã được sử dụng Internet, 54 triệu người được tham gia vào kinh tế số, mạng dữ liệu dùng chung quốc gia đã phủ gần 100% chính quyền các cấp, hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số của mỗi địa phương, mọi cơ quan, tổ chức và người dân.
"Chuyển đổi số là một hành trình dài, toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, Ngày Chuyển đổi số quốc gia là dịp để nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước nói chung", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số cho hay.
Theo các chuyên gia những kết quả chuyển đổi số đạt được sẽ không chỉ là lợi ích kinh tế mà sẽ lớn hơn nhiều và ngày càng cộng hưởng trong tương lai.
Ông Nguyễn Thành Nam - Thành viên sáng lập Tập đoàn Công nghệ FPT cho biết: "Cái quan trọng không phải là tiền bạc mà là cả tri thức nữa. Cứ 1 USD tiền mặt thu về thì chúng ta sẽ có thêm 5 USD tri thức nữa. Điều đó có nghĩa là càng làm chúng ta sẽ càng giỏi lên".
Người Việt chủ động sáng tạo để chuyển đổi số cho người Việt và từ đó ngày càng hoàn thiện các trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, đến nay tỷ lệ sử dụng nền tảng số Make in Việt Nam đã vượt mốc 20% và liên tục tăng trưởng thêm 1 điểm % mỗi năm.
Để người dân thuận tiện khi bước vào không gian số
71,7 triệu người - gần 100% dân số trưởng thành đã được cấp căn cước công dân gắn chip. Cùng với đó việc sử dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử, chính thức cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Cánh cửa bước vào thế giới số của mọi công dân đang ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thay vì mang thẻ bảo hiểm y tế và nhiều giấy tờ tuỳ thân khác khi đến khám chữa bệnh, nay anh Kiên (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉ cần sử dụng căn cước mới của mình. Chỉ sau vài phút, anh đã hoàn tất việc đăng kí khám chữa bệnh hưởng bảo hiểm y tế.
"Bộ Công an, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh. Cũng giúp cho chúng tôi không phải quản lý nhiều loại giấy tờ, đơn giản cắt bỏ được giấy tờ là sẽ giúp cắt bỏ thời gian", anh Nguyễn Đăng Kiên - quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay.
Bác sĩ Hoàng Đức Bách - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba nói: "Với việc thay thế và tích hợp nhiều phần mềm không chỉ về thẻ bảo hiểm y tế mà con về thanh toán tiền các loại phí dịch vụ tôi hy vọng căn cước công dân sẽ thay thế và xây dựng cho chúng ta một xã hội thông minh".
Mới đây, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đã giúp 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi đại học trực tuyến; 100% nộp lệ phí trực tuyến, tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng chi phí chụp ảnh cho học sinh cả nước.
"Hiện nay tất cả những giải pháp tích hợp các loại giấy tờ lên trên hệ thống thì chúng tôi đã xong. Những điều quan trọng nhất ở đây là vấn đề pháp lý, chúng ta phải có pháp lý để điều chỉnh lại tất cả các loại giao dịch thủ công trước đây để cho người dân được tiện ích", Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát QLHC về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết.
Việc mọi người dân đều có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử giúp mọi công dân đều bình đẳng trong tiến trình chuyển đổi số. Đó là sẽ chìa khoá để mỗi người có thể bắt đầu sống, học tập và làm việc chính danh trên không gian mạng.
Việt Nam đã lỡ cơ hội ở hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên và đến chậm hơn thế giới trong cách mạng công nghệ thông tin nhưng với các mạng công nghệ số 4.0 Việt Nam đã có những bước tiến mới rõ rệt từ nhận thức, tư duy của từng người dân, từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để chuyển đổi số với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ đạo điều hành trực tiếp của Chính phủ và sự chủ động ở các cấp. Đây sẽ là phương thức mới, cách làm mới để giải quyết các vấn đề mà Việt Nam đã và đang đối mặt.