Chuyển đổi số rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành, chứ không chỉ riêng về CNTT
Có đến hơn 60% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT tại Việt Nam ra nghề phải làm việc trái ngành. Điều này cho thấy, nhân lực chuyên ngành CNTT rất cần kiến thức đa ngành để có thể đáp ứng yêu cầu thực tế.
Khi các doanh nghiệp CNTT chỉ tuyển dụng nhân lực giỏi
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp CNTT vẫn nói nhiều về việc thiếu nhân lực để gia công phần mềm cho nước ngoài và thực hiện các dự án chuyển đổi số cho đối tác trong nước. Vì thế, chính họ cũng tham gia mở trường để đào tạo kỹ sư CNTT và đào tạo lập trình viên với các chứng chỉ quốc tế.
Tuy nhiên, đào tạo là một chuyện, còn tuyển dụng lại là thực tế hoàn toàn khác. Theo số liệu được một tạp chí của Bộ Khoa học Công nghệ công bố mới đây, chỉ có gần 40% sinh viên các ngành CNTT được các doanh nghiệp CNTT tuyển dụng.
Bởi các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT không thể tuyển dụng tất cả sinh viên tốt nghiệp các ngành về CNTT, mà chỉ số lượng khá, giỏi mới đáp ứng yêu cầu của họ. Khá giỏi ở đây không chỉ là về các kiến thức do nhà trường cung cấp, mà còn phải nắm bắt được các kiến thức chuyên ngành mới nhất của chuyên ngành mà mình theo đuổi.
Do đó, việc chỉ có gần 40% sinh viên các ngành CNTT được các nhà tuyển dụng chiêu nạp cũng là việc bình thường. Đương nhiên yêu cầu đặt ra của họ là phải tuyển dụng được đội ngũ nhân viên ưu tú nhất.
Vì thế, số còn lại phải tìm chỗ đứng ở môi trường khác. Nếu may mắn thì công việc của họ vẫn là về CNTT, nhưng phải theo những yêu cầu đặc thù của nhà tuyển dụng. Để làm được điều đó, họ phải nắm được những yêu cầu đặc thù trong ứng dụng CNTT ở môi trường này.
Đây là thực tế không đơn giản vì các kỹ sư, cử nhân CNTT không dễ gì nắm bắt được các kiến thức chuyên môn khác đang có nhu cầu chuyển đổi số.
Lập trình cho cái gì?
Theo TS. Mai Anh – nguyên Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam - CNTT đã và đang không thể thiếu với giáo dục đại học Việt Nam. Có thể nói là tất cả các đại học về kỹ thuật và công nghệ đều có Khoa CNTT.
Tuy nhiên, TS. Mai Anh cũng chỉ ra một thực tế là, trong khi sinh viên các ngành học khác phải tiếp thu kiến thức về CNTT để phục vụ việc chuyển đổi số cho chuyên ngành của mình, thì sinh viên CNTT lại hầu như không được học gì về các nhu cầu chuyển đổi số của các lĩnh vực khác. Vì thế, tuy họ có thể rất giỏi lập trình nhưng lại không biết lập trình cho cái gì, thì sao có thể gọi là giỏi được?
Do đó, nhiều người cho rằng việc đào tạo chuyên ngành CNTT có lẽ cần bổ sung một môn học về vấn đề này, để ít nhất sinh viên CNTT khi nhìn vào các lĩnh vực khác, sẽ thấy được mình có thể làm gì. Các kiến thức về kế toán, quản lý… dù đã có trong chương trình đào tạo của ngành CNTT nhưng chưa đủ, nên cần để sinh viên CNTT nhìn ra được nhu cầu của các ngành như nông nghiệp, thể thao, xây dựng, y tế… trong chuyển đổi số.
Nói về bức tranh tổng thể của nhân lực CNTT, cũng cần đề cập đến hoạt động đào tạo văn bằng thứ hai cho những người đã có bằng đại học nhưng vẫn có nhu cầu học về CNTT. Hệ đào tạo này ra đời từ những năm 1990 tại các trường đại học hàng đầu về CNTT và do người học tự chi trả học phí.
Đương nhiên, những người theo học hệ văn bằng thứ hai về CNTT có thể chuyển sang môi trường CNTT để cạnh tranh với đội ngũ nhân lực CNTT được đào tạo chính quy theo văn bằng thứ nhất. Thậm chí, không ít người nay đã là các bậc thầy ở nhiều khoa CNTT và đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên của hệ chính quy văn bằng thứ nhất. Song họ lại có ưu điểm nổi trội hơn là có thể chủ động xây dựng và phát triển hệ thống các chuyên ngành có nhu cầu ứng dụng CNTT.
Trên thực tế, hệ đào tạo văn bằng thứ hai, trong đó có CNTT, mới chỉ được coi là “kế hoạch 3” của các trường, chứ chưa nằm trong chiến lược rõ ràng của hoạt động đào tạo nhân lực CNTT. Các trường đại học cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tổng kết, đánh giá hoạt động đào tạo văn bằng thứ hai về CNTT, nên thiết nghĩ, đã đến lúc cần làm việc này, cùng thực tế của các cựu sinh viên đã theo học .
Trong khi các đại học chưa thể đứng ra tổng kết, có lẽ chính cộng đồng cựu sinh viên CNTT văn bằng thứ hai nên chủ động làm. Các trường đại học cũng cần quan tâm đúng mức tới các cựu sinh viên này. Bởi nếu làm được việc đó, ít nhiều các nhà hoạch định chính sách sẽ nhìn thấy một định hướng rất quan trọng là chuyển đổi số đã và đang rất cần đội ngũ nhân lực có kiến thức đa ngành.