Chuyển đổi số ở Rạng Đông: Tìm ra giải pháp để máy móc, thiết bị cọc cạch "nói chuyện" được với nhau
VietTimes – Không thể bỏ đi toàn bộ máy móc để mua lại dây chuyền mới, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống phải tìm ra giải pháp để máy móc thiết bị cọc cạch của Liên Xô, Trung Quốc, Hungary,... nói chuyện được với nhau.
Khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ đối với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ( Rạng Đông - Mã CK: RAL) cho rằng, việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống như Rạng Đông là vấn đề rất phức tạp.
Vốn là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống , máy móc từ nhiều nguồn gốc sản xuất, nhiều thế hệ khác nhau. “Làm thế nào để nó nói chuyện được là một câu chuyện rất khó. Câu chuyện đó cực kỳ khó. Chúng ta không phải con nhà giàu để vứt đi hết máy móc, mua lại dây chuyền mới” – ông Kết nói.
Lấy ví dụ riêng khoản chi phí mua giải pháp cho nhà máy thông minh của Siemen trị giá đã lên đến 2 triệu USD, chưa kể chi phí mua thiết bị, lãnh đạo Công ty Rạng Đông thẳng thắn: “Chúng tôi làm gì có tiền. Chúng tôi phải nghĩ ra cách, tìm ra giải pháp để máy móc thiết bị cọc cạch ‘nói chuyện’ được với nhau. Máy móc Liên Xô, Trung Quốc, Hungary,... đều ‘nói chuyện’ được tất”.
Ông nêu ra giải pháp kết nối được các máy móc thiết bị nói chuyện được với nhau gọi là OPC UA - Open Platform Communications Unified Architecture - Kiến trúc hợp nhất các nền tảng thông tin mở. Ông Kết cho rằng, chính các giải pháp này đã từng bước làm cho máy móc nói chuyện được với nhau. Từ đó, mới có cơ sở sử dụng hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
“Ngay công nghệ cũng có vấn đề phức tạp cần giải quyết, nên phải tìm cách vận dụng theo thực tế của mình. Làm sao để phù hợp với cái của mình là con đường đã lựa chọn” – ông Nguyễn Đoàn Kết nói.
Quy trình chuyển đổi số quan trọng nhưng còn rất lủng củng
Chia sẻ về quá trình “tiến hoá” trong chuyển đổi số, đại diện doanh nghiệp có nền tảng sản xuất công nghiệp truyền thống cho rằng: “Có điểm đầu mà không có điểm cuối, quá trình này cứ tăng dần theo từng vòng lặp một”. Chuyển đổi số là quá trình tích hợp giữa công nghệ vận hành OT (Operation Technology) và công nghệ thông tin (IT) với công thức: OT+IT = DT. Trong đó, DT (Digital Twin) chính là bản sao số. Công nghệ vận hành tích hợp với công nghệ thông tin để tạo ra bản sao số.
Máy móc, thiết bị của Rạng Đông từ nhiều thế hệ, nhiều nguồn sản xuất khác nhau, nhưng Rạng Đông đã sử dụng các giải pháp để từng cấu phần trong dây chuyền sản xuất "nói chuyện" được với nhau.
Khi đưa cấu hình vật lý lên không gian số, người ta có điều kiện để tối ưu hóa quá trình. Và DT lại quay trở lại để tối ưu hóa. Khi đó, quy trình được nâng lên một bước, và chúng ta lại quay trở lại để tạo ra bản sao số mới.
Và đó là những vòng lặp trong quá trình chuyển đổi số. “Đối với doanh nghiệp truyền thống như chúng tôi, quy trình có vai trò rất quan trọng nhưng thực tế còn rất lủng củng. Thế nên, trước tiên phải chuẩn hóa đã” – đại diện Rạng Đông nói và khẳng định, vấn đề đầu tiên phải chuẩn hóa các quy trình. Các quy trình phải được tinh lọc, chuẩn hóa. Mà muốn chuẩn hóa quy trình phải áp dụng công nghệ quản trị mới.
Dẫn hàng loạt các công cụ như Line, 6 Sigma, Kaizen, 5S rồi TPS, OKR, ODA, ông Kết cho biết, Rạng Đông đã áp dụng nhiều công cụ quản trị hiện đại để tối ưu hóa quy trình. Và mặc dù quy trình đã được tối ưu hóa nhưng lãnh đạo Rạng Đông không hy vọng các quy trình sẽ được tối ưu hóa tuyệt đối. “Đây chỉ là từng bước thôi. Sau đó, chúng tôi áp dụng công cụ số vào để chuẩn hóa quy trình. Nhiều lần chuẩn hoá qua nhiều vòng lặp thì ta sẽ tiến tới được quy trình tối ưu” – Phó Giám đốc Rạng Đông nói.
Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cũng cho biết, doanh nghiệp này thực hiện chuyển đổi số từ năm 2019. Trước đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông chỉ khoảng 6% đến 10%. Nhưng chỉ sau 3 năm, dù gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Rạng Đông vẫn đạt mặt bằng tăng trưởng mới là 20%, gấp đôi so với trước khi chuyển đổi số.
“Chúng tôi đã theo đuổi mô hình kinh doanh kỹ thuật số (Digital Business Model). Đây là mô hình kinh doanh do Học viện Công nghệ Massachuset (MIT) đề xuất. Trong đó, hướng tới kinh doanh đa kênh, mở rộng thương mại điện tử và phát triển O2O (Online to Offline và Offline to Online). Qua đó, Rạng Đông có thể đến gần hơn khách hàng và phác họa chính xác chân dung người dùng cuối” - ông Đoàn Kết cho biết.
Chuyển đổi số doanh nghiệp không hề dễ dàng, ngay cả ông lớn với hầu bao rủng rỉnh để đầu tư hạ tầng công nghệ. Theo một kết quả nghiên cứu trên 70 tập đoàn toàn cầu, chỉ 30% trong số đó đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ thành công thậm chí còn thấp hơn với chỉ 10% doanh nghiệp nhận thấy hiệu quả rõ ràng từ chuyển đổi số./.