Chuyển đổi số ngành Ngân hàng mang lại lợi ích gì cho Ngân hàng và cho người dân?
Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định "ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong chuyển đổi số". Vậy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đến thời điểm này như thế nào? Những lợi ích lớn lao nào mà chuyển đổi số đem lại cho ngành ngân hàng, cho người dân?
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng mang lại lợi ích gì cho Ngân hàng và cho người dân?
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" , Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm vừa rồi. Bước thử nghiệm đó trở thành một thành công vượt qua cả mong đợi, kể cả Kế hoạch 828 tháng 10 đưa ra của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đến giờ phút này là vượt kế hoạch.
Để làm được điều đó, các ngân hàng tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh chi cho chuyển đổi số. Trong thời điểm đó, cũng không thể kỳ vọng được rằng chuyển đổi số sẽ đạt được hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, đại dịch là vấn đề ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Và minh chứng thứ hai là ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Ví dụ một số ngân hàng lớn như VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… Đấy là những ngân hàng chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40-50% góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.
Đây cũng là 1 tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân, người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả 1 quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn.
Quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách
Cũng tại Tọa đàm, Theo TS. Phạm Xuân Hòe, NHNN đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán đã được đưa ngay vào tầm nhìn.
Hằng năm, trong suốt giai đoạn trước, NHNN tổ chức liên tục các cuộc challage chính sách để tìm ra những sáng tạo cho ngành ngân hàng, tạo ra nền tảng, cú hích rất lớn cho ngành ngân hàng. Đấy là điểm đầu tiên tôi muốn nói.
Về phần tín dụng, chúng ta thấy rằng mặc dù bây giờ đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 nhưng trước đó đã có câu chuyện thấu chi. Chính vì thế nên thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho câu chuyện công nghệ số áp dụng nhanh hơn.
Như vậy 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành ngân hàng đều được NHNN quan tâm thể chế hóa.
Điều thứ hai là NHNN và ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Và bây giờ NHNN có hẳn 1 Phó Thống đốc phụ trách về CNTT và từ dân IT ra. Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng.
Điểm thứ ba tôi muốn bổ sung về thành quả của chuyển đổi số ngành ngân hàng. Rõ ràng chúng ta thấy rằng chính đại dịch COVID đã tạo ra một địa lợi, một nền tảng để cho công nghệ số ngành ngân hàng đi vào cuộc sống. Lúc đó, do dịch bệnh nên tất cả việc mua bán, thanh toán qua các app. Điều đó rất thuận lợi mà không phải ngẫu nhiên Thủ tướng lại khẳng định là nhân hòa cũng có, địa lợi cũng có và cú hích công nghệ cũng có.
Tôi bổ sung thêm các số liệu để chứng minh: 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.
Thứ tư, có điều rất thuận lợi là ban lãnh đạo NHNN rất mạnh dạn và đã quyết định cho thí điểm, ví dụ như nhận biết eKYC cho thí điểm trước, có lộ trình. Để đảm bảo chắc chắn các giao dịch đó là tự động, thì phải có nhận biết chính xác đó là khách hàng. Đó là vấn đề an ninh an toàn. Việc đó đã được NHNN cho phép thí điểm với một số khách hàng nên đến bây giờ mới thuận lợi như thế này và thành công.
Đó là những cái tôi muốn điểm lại vì tôi cũng là người trong cuộc và chúng tôi cũng là người tham mưu cho ban lãnh đạo. Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên có tài liệu viết về công nghệ 4.0. Chính vì thế, đó là một điểm rất tốt và một điểm nữa là ban lãnh đạo NHNN đã trình Thủ tướng và có 1 quyết định không chỉ cho ngành ngân hàng mà cho cả ngành bưu điện: Thí điểm chuyển tiền qua hệ thống bưu điện, mở rộng thanh toán đến vùng sâu vùng xa, nâng khả năng tiếp cận cho người dân vùng sâu vùng xa.
Phải nói là lãnh đạo NHNN có những tầm nhìn và bước đi quan trọng.
Nhật Quang