Chuyển đổi số ngân hàng: Lấy người dùng làm trung tâm, dịch vụ là thước đo
Chiều ngày 11/10 tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) đã tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành ngân hàng dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với chủ đề "Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư", sự kiện hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử, phát triển công nghiệp công nghệ số.
Chia sẻ về những kết quả của ngành Ngân hàng đạt được trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Anh nhận định ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, ngành ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
Sau khi kết thúc phần báo cáo chính, diễn đàn chuyển sang phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao nhằm tập trung trao đổi về các xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, các mô hình và dịch vụ ngân hàng mới. Phiên Tọa đàm cấp cao có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam,đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cùng các chuyên gia tư vấn tới từ các tổ chức như BCG, EY,…
Với quan điểm công nghệ là yếu tố cốt lõi để chuyển đổi số ngành ngân hàng, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám Đốc Mambu Việt Nam cho biết, ngân hàng có thể khởi động một ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ, hiệu suất cao chỉ trong vài tuần nếu có được nền tảng công nghệ phù hợp. Nếu như công nghệ cũ khiến các ngân hàng mất nhiều thời gian để triển khai và vận hành thì giải pháp mới này sẽ giải quyết triệt để vấn đề đó, chi phí sử dụng công nghệ mới hợp lý. Việc triển khai công nghệ mới sẽ nhanh, sáng tạo và dễ sử dụng.
Chia sẻ tại tạo đàm, ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank cũng nhận định, những phương thức định danh điện tử như xác thực điện tử (eKYC) và chữ ký số(eSigning), hợp đồng điện tử (eContract)… hiện nay đang phát huy tác dụng rất tốt, hỗ trợ cho các ngân hàng số trong việc mở tài khoản và mở thẻ. Đây là phương thức giúp nhanh chóng phổ cập tài chính đến người dân.
Theo ông Quang, dù ở bất cứ đâu, khách hàng ở 64 tỉnh thành đều có thể sở hữu một tài khoản ngân hàng chỉ trong 2 phút mà không cần trực tiếp đến phòng giao dịch. Công nghệ tài chính hiện đại cũng giúp ngân hàng số mang đến cho khách hàng những khoản vay nhỏ lẻ, khoảng 2,3 triệu đồng một cách mau chóng mà không cần đến nhiều thủ tục phức tạp, giúp cho trải nghiệm tài chính được an toàn và thuận tiện hơn.