Chuyển đổi số doanh nghiệp do nữ làm chủ phải bắt đầu từ tư duy
Đối với những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chuyển đổi số là thay đổi toàn diện cách sống, làm việc của lãnh đạo cho đến nhân viên.
Ngày 16/8, tại Hà Nội , Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam , VCCI cùng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME) đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ”.
Hội thảo nhằm chia sẻ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và thảo luận về những thách thức cũng như kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số.
Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.
Chuyển đổi số là tất yếu nhưng còn đầy rẫy thách thức
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu giúp cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do nữ làm chủ, không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, chuyển đổi số là giải pháp để các doanh nghiệp chuyển đổi do dịch bệnh gây ra, hiện nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực tài chính, về thay đổi văn hóa kinh doanh phù hợp với môi trường số, nhận thức, cũng như năng lực của người lãnh đạo, lẫn người lao động trong việc tiếp cận và lựa chọn các giải pháp công nghệ.
Theo khảo sát của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 1.300 doanh nghiệp, hiện nay, có nhiều rào cản, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số. Trong đó phải kể đến chi phí Đầu tư , ứng dụng công nghệ số (60,1%), khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%), thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,3%), khó khăn về thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (45,4%).
Chuyển đổi số cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy
Theo ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME, bộ máy quan trong nhất để thực hiện chuyển đổi số là bộ máy trong trí óc của chúng ta. Cụ thể, là trí óc của mỗi nhà lãnh đạo hay nhân viên trong doanh nghiệp. Hơn thế nữa, chuyển đổi số còn là việc thay đổi văn hoá làm việc và nhận thức của mỗi doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Daniel, ông Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc công ty Dr SME, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và quản trị doanh nghiệp cho rằng: “Chúng ta thường nghĩ rằng chuyển đổi số bắt đầu từ công nghệ, nhưng theo tôi chuyển đổi số bắt đầu từ chính người chủ sở hữu, từ những doanh nhân, chúng ta sẽ thay đổi cách tư duy, cách suy nghĩ, cách tiếp cận để giải bài toán chuyển đổi số”.
“Chuyển đổi số cần thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên, bằng phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Tư duy làm thế nào để phát triển lợi thế hay cạnh tranh”. Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm
Các mục tiêu doanh nghiệp cần đạt được khi kinh doanh trong thời đại số hoá là: Tăng tốc độ ra thị trường của sản phẩm; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tối ưu năng suất lao động của nhân viên và Thu hút, giữ chân nhân tài.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng khuyến nghị một số hoạt động các nữ doanh nhân cần thực hiện để chuyển đổi số thành công như: Thúc đẩy tri thức số, công nghệ số cho cộng đồng nữ và doanh nhân nữ, đánh giá năng lực chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nhân nữ, chọn lựa doanh nghiệp nữ đầu tàu nhằm chuyển đổi số thành công, góp phần tạo cảm hứng cho cộng đồng.
Ngoài ra, cần phát triển nhân lực chuyên môn cho chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nhân nữ, truyền thông và các hoạt động kết nối giúp cộng đồng nữ tiếp cận tri thức chuyển đổi số và lực lượng chuyên gia chuyển đổi số.
Thanh Hồng - Mai Anh