Chuyển đổi số - Cơ hội đi kèm với thách thức
Chuyển đổi số vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Năm 2022 là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) được tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Sự kiện thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số của Chính phủ.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, phấn đấu nước ta sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Về phát triển kinh tế số, mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Về phát triển xã hội số, mục tiêu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng…
Đưa chính quyền đến gần người dân qua chuyển đổi số
Một trong 5 thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới là nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến, tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân… Và tại nhiều địa phương, những cách làm sáng tạo trong hành trình chuyển đối số đang được nỗ lực thực hiện.
Một bãi rác chất đống kéo dài hàng chục mét, bốc mùi hôi thối nồng nặc chỉ cách khu dân cư và trường học khoảng 100 m. không biết từ bao giờ, nơi đây đã trở thành một bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh không tránh khỏi bức xúc.
"Mình đi làm qua đường này. Trước đây, rác tràn ra cả lòng đường mà đường thì rất hẹp. Các phương tiện đi qua tránh nhau có người còn ngã cả vào bãi rác. Mình đi qua đây thì bốc mùi lắm, có cả những em học sinh cũng phải đi qua".
Tuy nhiên, chỉ cần vài bức ảnh lưu lại làm thông tin, người dân tại đây có thể dễ dàng phản ánh những băn khoăn, kiến nghị của mình qua một phần mềm. Khi đó, mỗi người dân giống như một phóng viên hiện trường nơi mình sống. Và để tránh tâm lý người dân ngại khiếu nại hay chính quyền ngại tiếp dân, mọi thông tin về người phản ánh đều là bảo mật và cán bộ luôn trong tâm thế sẵn sàng xác nhận và giải quyết trong thời gian sớm nhất có thể.
"Phần mềm này rất hữu ích có khi còn hiệu quả hơn đường dây nóng. Khi nhận được một kiến nghị thì ngay lập tức sẽ gửi về địa bàn và các phòng ban có liên quan, sau đó phối hợp với thôn, với người dân để xác nhận và cùng giải quyết. Giải quyết xong, người ta có thể đánh giá mức độ hài lòng bằng ngay những bình luận dưới các hình ảnh đã xử lý"
"Hằng ngày, mình đi ở ngoài thấy có rất nhiều cái muốn phản ánh nhưng không biết phản ánh qua đâu, với ai. Giờ có ứng dụng này rất là tiện. Ngay khi mình gửi qua app thì nó sẽ gửi ngay về bộ phận quản lý và họ có thể xử lý ngay được trong ngày"
Không ít những vụ việc được giải quyết nhanh chóng, từ đủ mọi lĩnh vực liên quan đến dân sinh. Biết là lấn chiếm lòng đường, giao thông đi lại khó khăn nhưng đến vụ mùa, người dân lại tranh thủ 1, 2 ngày để phơi. Tuy nhiên, sau khi được phản ánh, người dân đã dọn dẹp và cũng rút kinh nghiệm bản thân. Kết quả của mọi phản ánh có được giải quyết thấu đáo hay không đều được công khai với những số liệu minh bạch.
"Đây là tỷ lệ những phản ánh kiến nghị mà chúng tôi đã xử lý được (90%). Phản ánh trên địa bàn, lĩnh vực nào thì cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực đó sẽ có thẩm quyền để theo dõi, giám sát. Sắp tới đây, chúng tôi cũng đang hoàn thiện thêm tính năng đo lường phản ánh chất lượng để xem xét ưu tiên xử lý phản ánh có tính cấp bách và ảnh hưởng đến nhiều người dân"
Thay vì phản ánh, kiến nghị truyền thống, phải qua nhiều khâu trung gian dẫn đến chậm trễ trong công tác xử lý, việc ra đời của ứng dụng "Phản ánh kiến nghị" đã tạo nên sự tương tác hiệu quả giữa chính quyền với người dân. Từ đó, người dân có thể gặp chính quyền chỉ qua chiếc điện thoại, phản ánh những kiến nghị một cách dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi.
Đổi thay để phát triển
Tiếp nhận hơn 2.000 phản ánh của người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ xử lý đạt hơn 90%. Việc từng bước chuyển đổi số đang giúp cho hoạt động quản lý của Nhà nước được nâng cao hiệu quả.
Và không chỉ ở lĩnh vực quản lý Nhà nước, trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, việc chuyển đổi số cũng đang tích cực được thực hiện nhằm khôi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Dưới đây là một câu chuyện về nỗ lực chuyển đổi số của ngành du lịch - một trong những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID - 19.
Buổi thăm quan chùa Tam Thanh của anh Trắm, chị Ngân hôm nay diễn ra 2 lần. Cũng bởi trong lần đầu, việc thăm quan danh thắng nổi tiếng của xứ Lạng với những du khách từ Đắk Lắk này chỉ dừng lại ở việc đi và nhìn. Lên đây đi 1 vòng rồi nhưng chưa hiểu được ý nghĩa.
"Mình cứ đi vòng vòng, thấy bậc thang lên thì lên. Ngắm cảnh thế thôi nhưng không hiểu gì"
Tuy nhiên, phần giới thiệu của hướng dẫn viên cùng các thông tin về điểm du lịch với hình ảnh 360 độ trực quan trên web ở vòng đi lần hai cho anh Trắm, chị Ngân một cảm nhận khác về điểm du lịch tâm linh vốn có nhiều thông tin nền về văn hóa, lịch sử.
"Có khoảng 20 địa điểm ở chùa Tam Thanh được giới thiệu, đều có lời dẫn và bài hát đặc trưng của xứ Lạng. Thực sự là rất vui mừng với những người hướng dẫn viên như chúng tôi vì không phải du khách nào cũng có hướng dẫn viên đồng hành. Du khách biết được chỗ này có gì, đi hết bao lâu, sẽ tốt hơn khi biết được thông tin mình thăm quan"
Chùa Tam Thanh với hình ảnh 360 độ cùng thuyết minh đi kèm cũng là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi những sản phẩm du lịch chuyển đổi số của ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn.
"Du khách có phản ánh việc thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin với du lịch. Điểm thí điểm sẽ tính đến ưu thế và khuyết điểm để triển khai các điểm tiếp theo. Còn nhiều dự án chuyển đổi số hỗ trợ đồng bộ tốt hơn so với điểm đầu".
Dự kiến, sau điểm chùa Tam Thanh, ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai thêm 9 điểm nữa trong đề án du lịch thông minh. Sự chuyển đổi với công nghệ số cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch địa phương này phát triển và nhiều sức hút hơn với du khách.
Nhiều cơ hội từ chuyển đổi số
Những kết quả và thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số của các địa phương với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú cũng đã cho thấy chuyển đổi số đang thực sự là xu thế tất yếu, khách quan, diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. Đó cũng là cơ hội để tạo ra những cú huých cho sự phát triển trong định hướng của Chính phủ: chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính Nhà nước.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh - cho rằng: "Chuyển đổi số có thể giúp chính quyền lắng nghe một cách kịp thời những cái phản ánh kiến nghị từ người dân. Nắm bắt được hơi thở cuộc sống ngay từ cơ sở. Thông qua đó thì chính quyền sẽ có được cơ sở dữ liệu của người dân về những vấn đề bức xúc trong đời sống".
"Xác định là chuyển đổi số trong du lịch là lĩnh vực trọng tâm, thời cơ, cơ hội để chuyển mới và phát triển, tăng cường kết nối các điểm du lịch đến với du khách"
Nỗ lực giải bài toán nhân sự số
Những kết quả đã có nhưng mới chỉ là bước đầu, sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả hơn. Và một trong số đó chính là bài toán về nguồn nhân lực số như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số cần gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Mới đưa vào sử dụng được 1 tháng, ngoài việc còn hạn chế số lượng du khách biết đến thì sản phẩm 360 độ chùa Tam Thanh còn gặp khó trong việc sử dụng ngay tại chùa.
Chị Lộc Phương Quỳnh - Hướng dẫn viên khu di tích chùa Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ: "Không có kết nối khi vào sâu trong động nên cần hướng dẫn du khách xem từ bên ngoài để biết được rõ hơn" .
Và đây cũng không phải khó khăn duy nhất trong việc thực hiện chuyển đổi số của điểm du lịch này. Là điểm tham quan có bán vé, các thông tin về đóng - mở cửa hay giá vé cần phải cập nhật thường xuyên cho du khách. Nhưng thực tế, theo chị Dương Thị Hồng Nhung - Tổ phó Tổ quản lý danh thắng Nhị Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn, trang miền không hoạt động, không thống kê được trong khi nhân viên kỹ thuật đã nghỉ 1 năm qua. Hiện tại, đơn vị chủ yếu quảng bá trên fanpage tự lập, tự phát.
Bà Trần Thị Bích Hạnh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn - cho rằng, vấn đề nhân lực còn bất cập do thiếu nhân sự.
Có thể thấy, nhân sự là bài toán không chỉ của riêng ngành hay lĩnh vực nào trong quá trình chuyển đổi số. Tại Bắc Ninh, áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết khiếu nại của người dân, những điểm nóng về phản ánh dễ dàng nhìn thấy qua công nghệ. Tuy nhiên, đi kèm theo đó cũng là áp lực về nhân sự thực hiện.
"Người ta phản ánh bất kì giờ nào, phút nào thì cán bộ công chức phải cập nhật thường xuyên nên khối lượng công việc sẽ cao hơn trước. Cố gắng nỗ lực dài hạn thì giảm ngay lập tức được bức xúc người dân từ sớm từ xa, đồng thời giảm đơn thư kiến nghị về lâu dài"
"Xu thế bây giờ là chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm. Do đó, chúng tôi cũng tích hợp tính năng người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng của mình với việc chính quyền, doanh nghiệp xử lý phản ánh. Họ có thể đánh giá 5 sao cho đến 1 sao nếu không đủ hài lòng. Đây là những tỷ lệ phản ánh rõ từng cán bộ xử lý đạt mức độ như thế nào, từ đó có thể đưa ra đánh giá ai hay địa phương nào giải quyết các phản ánh tốt nhất hay tệ nhất"
Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đào tạo nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.