Chuyển đổi số - chìa khóa để kinh tế Việt Nam chuyển mình vươn xa
Theo chiến lược quốc gia về chuyển đổi số vào năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị kinh tế số chiếm 20% GDP, năm 2030 là 30%. Các chuyên gia nhận định, nếu GDP của Việt Nam đạt khoảng 570 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 895 tỷ USD vào năm 2030 (theo chiến lược và kế hoạch), trong đó kinh tế số chiếm tới 20-30% thì giá trị sẽ rất lớn.
Động lực kinh tế số
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề, thế nhưng đó lại là động lực cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Kinh tế internet và thanh toán điện tử nhờ thế cũng nở rộ trong 2 năm trở lại đây, là điểm nhấn để thu hút các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu.
Báo cáo vĩ mô của Maybank Investment Bank vừa được phát hành trong tháng 7 cho thấy, nền kinh tế internet của Việt Nam đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, dự kiến nền kinh tế internet Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia.
Đáng chú ý, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang là động lực chính. Đi chợ trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời kỳ sau đại dịch COVID-19. Theo đó, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và trên nền tảng TMĐT đã tăng 260% từ năm 2019 đến năm 2021. Chi tiêu cho TMĐT cũng chiếm 10% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2021 (năm 2020 là 5,5%), không xa so với mức 13,5% của Singapore.
Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng lên nhanh trong và sau đại dịch COVID-19, đứng thứ 2 trong ASEAN (sau Thái Lan) về thái độ tích cực đối với thanh toán không dùng tiền mặt. Một cuộc khảo sát với 15.000 nhà bán lẻ của Công ty công nghệ Sapo cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2021 chiếm 72,8% tổng số giao dịch bán lẻ.
Còn theo khảo sát của Visa được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9/2021, 95% người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Trong đó, ví điện thoại di động được ưa chuộng hơn nhiều so với thẻ tín dụng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử được cấp phép tại Việt Nam, tăng gấp 8 lần so với khoảng 5 năm trước (năm 2015). Trong đó, có 3 ví điện tử chiếm khoảng 90% thị phần là MoMo, Moca và ZaloPay.
Ngoài ra, từ đầu năm 2022, Mobile Money cũng được triển khai thử nghiệm. Tính đến nay, đã có gần 1,1 triệu người dùng Mobile Money với khoảng 660.000 người ở các vùng nông thôn. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, khoảng 80.000 doanh nghiệp đã chấp nhận phương thức thanh toán này trên toàn quốc tính đến quý 1 năm nay. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, Mobile Money sẽ thúc đẩy sự hòa nhập tài chính nhiều hơn, đặc biệt là đối với vùng xâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Có thể nói, kỹ thuật số mang lại nhiều lợi thế cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, số hóa nâng cao chất lượng dịch vụ công được Chính phủ theo đuổi hơn 10 năm qua. Đến nay, chất lượng các dịch vụ điện tử của Chính phủ ngày càng hoàn thiện và giúp giảm bớt sự chậm trễ, quan liêu, cải thiện việc thực hiện thu thuế và hỗ trợ tài khóa; đồng thời đưa ra đánh giá kịp thời, toàn diện hơn về các điều kiện kinh tế để đưa ra chính sách.
Một dấu mốc quan trọng là Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trực tuyến vào cuối năm 2019 để tích hợp các dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương. Cổng thông tin cung cấp thông tin về các thủ tục hành chính (học hành, công việc, gia đình, chi phí kinh doanh và cung cấp các dịch vụ như thanh toán thuế điện tử và hóa đơn tiền điện, đăng ký doanh nghiệp trực tuyến và cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa...
Trong năm đầu thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia, Chính phủ đã tiết kiệm khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, tính đến quý 1/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương; trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng.
Ngoài ra, thu thập và chia sẻ dữ liệu cũng đang được cải thiện. Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành vào ngày 1/7/2021 với số hóa thông tin cơ bản của gần 100 triệu công dân. Cơ sở dữ liệu tích hợp cũng sẽ giúp Chính phủ nhận dạng điện tử và xác thực điện tử của mọi công dân đối với các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, đã có hơn 50 triệu thẻ ID kỹ thuật số dựa trên chip đã được cấp cho công dân (kể từ năm 2021) để cải thiện khả năng tương thích với Chính phủ điện tử. Thẻ lưu trữ các tính năng nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay và nhân trắc học, cho phép công dân xác thực danh tính của họ một cách dễ dàng và an toàn, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Thẻ này thậm chí đang được thí điểm thay thế cho thẻ ATM tại một số chi nhánh ngân hàng.
Số hóa đang được mở rộng sang cả những ngành truyền thống nhất. Theo đó, Chính phủ đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và hỗ trợ người lao động có kỹ năng cao. Các doanh nghiệp sẽ được trợ cấp 50% chi phí (giới hạn ở mức 4.300 USD/hợp đồng/năm) nếu họ thuê hoặc mua các nền tảng và giải pháp số hóa được Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) chứng nhận.
Không chỉ thế, các công ty khởi nghiệp đang nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm khởi nghiệp trong khu vực. Theo một chương trình khuyến khích được triển khai vào tháng 10/2020, các công ty khởi nghiệp tại khu công nghệ cao được miễn trả tiền thuê đất trong 50 năm và các chi phí thiết lập phát sinh ( như giải phóng mặt bằng...) cũng sẽ được nhà nước tài trợ.
Với những thuận lợi trên, Việt Nam đang trở thành một "thỏi nam châm" thu hút các công ty khởi nghiệp trong ASEAN, một phần của “tam giác vàng” với Singapore và Indonesia. Đáng chú ý, có 4 công ty Start-up kỳ lân nội địa và 11 công ty khởi nghiệp trị giá hơn 100 triệu USD, trong tổng số 4.000 công ty khởi nghiệp. Trong đó, có “3 con kỳ lân” đã được hình thành trong hai năm qua. Theo đó, Việt Nam đang tham vọng bứt phá bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Hoàn thiện Chính phủ số vào năm 2030
Số hóa được coi là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng dài hạn; là chìa khóa, là xu hướng để nền kinh tế Việt Nam có thể vươn xa và cạnh tranh với các nước trên thế giới, mới đây ngày 30/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Một mặt thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2025 là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được điều này vẫn cần phải phải thay đổi từ chính sách đến nguồn nhân lực. Bởi hiện nay, việc áp dụng các công nghệ mới và tiên tiến trên toàn nền kinh tế như Big-data hoặc AI vẫn còn rất hạn chế. Sự không chắc chắn về lợi tức đầu tư, thiếu kiến thức và không đủ khả năng tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài được coi là những rào cản hàng đầu đối với việc áp dụng công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng do thiếu lao động có trình độ…
Bàn về vấn đề này, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, đã công bố kế hoạch nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi kỹ thuật số vào năm 2021. Các kỹ năng kỹ thuật số sẽ được giảng dạy ở tất cả các cấp của hệ thống giáo dục. Đến năm 2025, ít nhất 50% cơ sở giáo dục được kỳ vọng cung cấp các môn học kỹ năng số, công nghệ và STEM. Con số này được đặt mục tiêu đạt 90% vào năm 2030.
Các chuyên ngành mới về chuyển đổi kỹ thuật số (AI, Cloud, blockchain, IoT, quản trị kỹ thuật số, kinh doanh kỹ thuật số...) sẽ được cung cấp ở cấp độ giáo dục cao hơn, trong khi chỉ tiêu nhóm kỹ sư, cử nhân và công nhân kỹ thuật sẽ được tăng lên. Chính phủ ước tính, Việt Nam sẽ cần hơn 2 triệu lao động CNTT trong giai đoạn 2025 - 2030, tăng so với khoảng 1 triệu hiện nay.