Chuyện đời li kỳ của người phụ nữ bị gia đình giục lấy chồng liền thuê người làm đám cưới giả, sau đó nhận nuôi hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi
Từng phải đi nhặt ve chai, giúp việc, chị Hương đã vực dậy mạnh dạn kinh doanh, không lập gia đình để dành thời gian chăm sóc các em nhỏ bị bố mẹ ruột bỏ rơi.
Từng bị cho là 'khùng điên' khi bỗng dưng nhận cưu mang gần 100 đứa trẻ, xem chúng như con ruột của mình, nhưng mặc kệ lời ong tiếng ve, chị vẫn kiên nhẫn thực hiện công việc thiện nguyện, dành tặng cho những đứa trẻ một "Mái ấm Hoa Hồng" ấm áp, ngọt ngào giữa phố thị Sài Gòn xô bồ, náo nhiệt. Chị là Giáp Thị Song Hương.
Tay trắng nhận nuôi cả trăm đứa trẻ bị bỏ rơi
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Giang, nhưng ở tuổi 17 chị đã tự lập vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai hoặc giúp việc theo giờ. Trong chính thời gian ấy, chị mới bén duyên với những em bé và xây dựng được mái ấm như ngày nay. " Nửa năm đầu lượm ve chai thì "nhặt" được một bé gái, nửa năm sau thì gặp được thêm một bé gái nữa ở bệnh viện " - chị Hương kể lại. Cứ như vậy, chị Hương cứ tiếp tục nhận nuôi hàng chục đứa trẻ khác, từ những bé sơ sinh tới những em 13-14 tuổi.
Gia đình tôi lo chồng con chưa có, nhận nuôi rồi làm gì có tương lai, sợ bà con dòng họ ngoài Bắc không biết lại nghĩ tôi hư hỏng, trót dại có con ngoài giá thú
Cũng trong hoàn cảnh phải chịu áp lực kiếm tiền nuôi con, cô gái nhặt chai nhựa, bìa carton mưu sinh đã gom góp được ít vốn nên mạnh dạn khởi nghiệp kinh doanh khách sạn, bất động sản. May mắn đã đến với người mẹ ấy khi công việc làm ăn tương đối tốt đã giúp chị có kinh tế lần lượt nhận nuôi số lượng lớn trẻ bị bỏ rơi. Dần dần, Mái ấm Hoa Hồng ngày càng đông vui hơn, chị lại trở thành mẹ của nhiều em nhỏ hơn.
Từ lâu rồi tôi không có ý định lập gia đình hay có con nữa, tất cả tình yêu thương của tôi dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi là các con của tôi bây giờ. Đôi lúc tôi cảm thấy rất tủi thân vì không có một đứa con do chính mình sinh ra. Nhưng mà trong cái tủi thân đó tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì các con hiện tại tôi đang nuôi rất ngoan và có hiếu với mẹ Hương
Tất nhiên khi nhìn ngắm những đứa con này, trong thâm tâm chị vẫn mong mỏi có được một đứa con ruột, được tự mình sinh nở, thực hiện thiên chức làm mẹ. Sau nhiều lần vất vả thụ tinh nhân tạo, đến lần thứ 10 chị mới đậu thai. Nhưng chỉ 1 tháng sau đi siêu âm lại, chị được bác sĩ thông báo thai nhi ở ngoài tử cung, không thể giữ được. Kể từ lần mất con đầy đau đớn đó, chị Hương buông xuôi khát khao sinh nở, dành toàn thời gian, tình yêu cho các con trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Công sinh không bằng công dưỡng, sau hơn 30 năm, chị cũng nhận được trái ngọt chính là khi chứng kiến được nhiều đứa trẻ mình nuôi nấng đã trưởng thành, sinh sống ở nước ngoài. Số khác cũng lần lượt lớn lên, có cuộc sống riêng.
Không lập gia đình để chăm sóc các con tốt hơn
Biết rằng công việc thiện nguyện của mình sẽ khó có thể lo cho mái ấm riêng chu toàn nên chị không lập gia đình. Đến khi hơn 30 tuổi, chị bị gia đình thúc ép lấy chồng để yên bề gia thất. Mẹ chị còn gây áp lực bằng cách... ra đường ăn xin.
Con đang kinh doanh khách sạn, mẹ lại mang nón rách gậy ra đường ngồi ăn xin khiến mình vô cùng áp lực. Nhiều đêm suy nghĩ, chữ Hiếu luôn đứng hàng đầu. Cha mẹ nuôi mình bao nhiêu trăm trời mình vẫn chưa báo hiếu được, giờ chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất của cha mẹ lẽ nào mình không làm được
Để làm yên lòng mẹ, chị thuê một người đàn ông làm đám cưới giả. Vì là con gái út cộng với gia đình anh trai có nhà hàng tiệc cưới ở Biên Hòa nên hôn lễ của chị Hương được tổ chức rất hoành tráng, cả trăm mâm bàn, vòng vàng đeo đầy người. Nhưng ngay đêm tân hôn, sau khi nhận được số tiền 50 triệu đồng, "chú rể" ngay lập tức cầm tiền ra khỏi nhà. Suốt một năm sau đó, mỗi lần về thăm gia đình chị lại phải gọi người này đi cùng mình, mỗi lần tốn đến 5 triệu đồng. Sau này, gia đình thấy con rể không về thăm nhà ngoại, chị phải đối mặt với quá nhiều lần bị tra hỏi, quá mệt mỏi chị mới thú thật với gia đình.
Có gia đình riêng, lấy chồng thì mình phải hoàn tất công việc gia đình bên nhà chồng và con của mình nữa. Mình không thể ôm đồm nhiều thứ. Mình chọn 1 con đường dài để đi và làm cho tốt nên mình quyết định điều này
Mình là bến đò vẫn đợi người sang sông. Chờ đợi cha mẹ, ông bà ruột của các con đến tìm lại. Dù sao đó cũng là tình cảm máu mủ, ruột thịt vô cùng thiêng liêng
Càng nghĩ mới thấy càng khâm phục "nàng Âu Cơ thời hiện đại" này, từ ngay những lần đầu cứu giúp những em nhỏ bị bỏ rơi thì người mẹ này không hề có gì trong tay, không có tiền cũng chẳng có người thân để dựa vào. Như vậy mới thấy, không cần chờ đến khi giàu sang, có thật nhiều tiền của thì mới có thể làm từ thiện, hãy bắt đầu từ chính khả năng hiện có và để trái tim mình thôi thúc.
Nguồn: Tổng hợp
Thu Ngân
Theo Trí Thức Trẻ