Chuyện đời éo le của người mẹ già bán bánh mì nuôi con không tỉnh táo
Dù con trai đã 60 tuổi nhưng bà Thủy vẫn phải ở bên chăm sóc, tỉ mỉ hướng dẫn con một chút một trong khâu bán hàng. Nguyên nhân là bởi con bà không được tỉnh táo.
Vì hoàn cảnh mà không ít người ở tuổi xế chiều vẫn phải miệt mài kiếm từng đồng trên đường phố, bởi trên vai họ vẫn còn những gánh nặng phải lo toan. Trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM cũng có một mảnh đời như thế. Đó là cụ Nguyễn Lệ Thủy (80 tuổi) và xe bánh mì gắn bó gần nửa thế kỷ.
Khác với những cửa hàng khác, bà không đặt cho tiệm của mình một cái tên nghe thật kêu mà chỉ ghi lên tấm biển dòng chữ: "Bánh mì 0 nhà".
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, bà Thủy cho biết xe bánh mì là thu nhập chính của bà và con trai (nay đã 60 tuổi). Trải qua bao gian truân nhưng bà vẫn chưa thể yên lòng về cuộc sống của con trai sau này. Bà kể, khi con mới 7 tháng tuổi, chồng bà đã bỏ đi, để lại 2 mẹ con lang thang khắp Sài Gòn.
Để có tiền trang trải, bà làm đủ thứ việc, ai thuê gì làm nấy. Dần dà tích cóp được vốn, bà bắt đầu bán bánh mì cách đây 47 năm với đồ nghề chỉ là một chiếc bàn đơn sơ. Sau này, nhiều người thương tình đã chung tay giúp cụ có chiếc xe bánh mì chắc chắn.
Nhớ lại nhiều năm trước, bà Thủy nghẹn ngào kể ngày ấy mình rất khổ. So với bây giờ đã là khá hơn rất nhiều. Đồng thời bà cũng bày tỏ sự biết ơn đến những khách hàng, mạnh thường quân đã hỗ trợ để bà có được hiện tại: "Không giúp thì hai mẹ con tôi giờ này đâu được ngồi như thế này”, bà nói.
Nhắc đến con trai, bà Thủy buồn rầu nói: “Con tôi nó không được bình thường như người ta, nói chuyện với con là phải ân cần, không được quát tháo". Thậm chí có những lúc con bà như biến thành một con người khác, đến chính bà cũng khó kiểm soát.
Vì đã lớn tuổi, mang nhiều bệnh tay chân đau nhức nên bà phải hướng dẫn con trai cách bánh hàng. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến hoàn thành sản phẩm bà đều hướng dẫn nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Mỗi lần con làm xong, bà lại ân cần nói cảm ơn.
Được biết, gọi là "bánh mì 0 nhà" vì gần như cả ngày hai mẹ con bà đều có mặt ở tiệm. Chỉ khi nào mệt quá thì bà nằm chợp mắt trên chiếc ghế xếp bên cạnh. Hai mẹ con cứ thế thay nhau bán, bất kể ngày hay đêm. Dù vậy nhưng số lượng mỗi ngày bà bán được không nhiều, chỉ khoảng 30 ổ, mỗi ổ 15 ngàn - 20 ngàn đồng.
Thu nhập chẳng được là bao, có hôm ế ẩm nên mẹ con bà quyết định không thuê nhà nữa, "ngủ bờ ngủ bụi" để tiết kiệm. Dù khăn khăn nhưng 5 năm nay bà Thủy vẫn nhận nuôi thêm chú chó Tony để bầu bạn. Sáng sáng, con trai bà sẽ đến điểm nhận cơm từ thiện cho gia đình 3 miệng ăn rồi loanh quanh nhặt ve chai.
Với bà Thủy, xe bánh mì không chỉ là "cần câu cơm" mà còn là di sản cả đời nên bà luôn cố gắng lựa chọn nguyên liệu tốt nhất. Bà chỉ mong rằng mình sẽ sống thật lâu, để được ở bên làm chỗ dựa cho con trai.
Sài Gòn vốn được mệnh danh là mảnh đất hoa lệ: Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Vì vậy chẳng thiếu những mảnh đời, gia đình chật vật như mẹ con bà Thủy. Tại đường Lê Văn Sung, quận 6, TP.HCM cũng có một cụ bà đã ngoài 70 tuổi ngày ngày cô đơn bên xe bánh mì.
Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết: "Bà bán ở đây cũng gần 30 năm rồi. Hồi đó bán gánh, hàng xóm người ta thương cho ngồi không có tính tiền. Rồi cô bán bánh cho xài đèn cũng không có tính tiền luôn. Vì bà cũng sống ở trong xóm này hồi đó đến giờ nên người ta thương, biết hoàn cảnh người ta giúp đỡ".
Sau này, bà con còn quyên góp tiền mua cho bà chiếc xe đẩy để bán bánh mì. Kể về hoàn cảnh của mình, bà cho biết, hiện tại bà chỉ còn 2 người con, đứa con trai cả và chồng không may ra đi sớm. Giờ đây, 3 mẹ con sống trong căn nhà chật hẹp, mọi chi phí đều trông vào xe bánh mì.
Có lẽ với 2 cụ bà trên, điều họ mong muốn nhất chính là có sức khỏe để được ở bên con cái thật lâu. Dù có vất vả như thế nào đi chăng nữa họ đều chấp nhận.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !
Chúng ta chẳng thể nào lựa chọn hoàn cảnh sinh ra nhưng hoàn toàn có thể thay đổi số phận bằng cách sống và lao động hết mình. Giống như 2 cụ bà ở trong câu chuyện trên. Dù có bao nhiêu vất vả đi chăng nữa, các cụ vẫn không bỏ cuộc, cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ những người xung quanh, các cụ đã nỗ lực làm việc, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Tinh thần đó càng khiến chúng ta thêm nể phục.
Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !