Chuyện Đình nguyên Đào Nguyên Phổ làm báo, làm giáo dục

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:47:43

Thi đỗ thủ khoa tức Đình nguyên thời vua Thành Thái, nhưng Đào Nguyên Phổ từ quan để làm báo, trở thành nhà giáo dục nổi tiếng....


“Người nước Nam ta biết Thái Sơn cao, Hoàng Hà sâu mà không rõ núi Tản mạch từ đâu đến, sông Cửu Long từ đâu chảy về. Lại biết Khổng Minh và Địch Nhân Kiệt mà không rõ Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn khí tiết oai phong như thế nào…”. Đó là lời tựa cho cuốn sách “Việt sử toát yếu” của Đình nguyên Đào Nguyên Phổ. Thi đỗ thủ khoa tức Đình nguyên thời vua Thành Thái, nhưng ông từ quan để làm báo, trở thành nhà giáo dục nổi tiếng dưới thời thuộc Pháp.

Xướng tên người đỗ. (Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Đỗ cử nhân khi mới 17 tuổi

Làng Thượng Phán, nay thuộc xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có họ Đào vốn có truyền thống về chữ nghĩa. Vào thế kỷ 19 họ Đào sinh ra Đào Thế Cung, thông minh từ nhỏ, lại được cha rèn dũa kèm cặp nên thông làu kinh sử, giỏi văn sách, lại có tài ứng đối.

Năm 17 tuổi (1877), Đào Thế Cung được cha đổi tên là Đào Văn Mại, tham gia kỳ thi Hương ở trường thi Nam Định nhằm thử sức. Thời ấy 17 tuổi đã dự khoa thi là còn nhỏ so với các sĩ tử khác, nhưng Đào Văn Mại lại đỗ cả tứ trường tức cử nhân. Quan chủ khảo thấy còn nhỏ mà đỗ, nghi ngờ có gian dối nên thử tài, nhưng Đào Văn Mại vẫn vượt qua được.

Vì còn quá trẻ nên Đào Văn Mại không dự tiếp kỳ thi Hội mà quyết định chưa tiếp tục thi. Ông dạy học ở huyện Diên Hà rồi chuyển sang Phù Cừ. Năm 1884 ông được bổ chức Giáo thụ Tam Nông (Phú Thọ), sau lại thăng làm Tri huyện Võ Giàng (Bắc Ninh).

Khi ông làm Tri huyện Võ Giàng thì xảy ra biến cố, huyện đường bị mất trộm nửa năm tiền thuế trong két bạc. Dù ở trên đã cho điều tra kỹ lưỡng nhưng vẫn không tìm ra hung thủ, Đào Văn Mại làm Tri huyện nên phải chịu trách nhiệm và mất chức.

Đình nguyên Đào Nguyên Phổ

Bị mất chức, Đào Văn Mại dạy học ở Nam Trực (Nam Định). Năm 1895, theo lời khuyên của Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền, ông đến Kinh đô Huế thi tuyển vào trường Quốc Tử Giám.

Năm 1898, Đào Văn Mại đổi tên thành Đào Nguyên Phổ dự thi và đỗ kỳ thi Hội. Vào đến thi Đình ông đỗ thủ khoa, nhưng thời đấy không gọi là Trạng nguyên, người đỗ đầu được gọi là Đình nguyên. Sau khi thụ lễ ban yến của vua Thành Thái, ông vinh quy bái tổ về làng.

Tranh dân gian: Trạng Nguyên vinh quy bái tổ.

Trên đường vinh quy bái tổ từ Kinh đô Huế đến quê nhà ở Thái Bình, qua mỗi trạm nghỉ Đào Nguyên Phổ được đổi người hộ tống, qua đó ông tiếp xúc với binh lính. Đi qua nhiều nơi, ông tiếp xúc với dân tình và hiểu hơn đời sống của người dân trước tình cảnh nước nhà lúc đó.


3 tháng sau khi vinh quy bái tổ, ông được Vua phong làm Hàn lâm viện Thừa chỉ, giúp vua soạn thảo các đạo dụ và chiếu chỉ. Trong thời gian này ông tham gia học tiếng Pháp tại “Pháp tự quốc gia học đường”.

Thời gian này Đào Nguyên Phổ tiếp xúc với nhiều người yêu nước. Nhận thấy thi đỗ Đình nguyên nhưng nhà Nguyễn nhận bảo hộ từ người Pháp, chức quan Thừa chỉ đang làm không giúp nhiều cho dân, vì thế mà khoảng năm 1902, Đào Nguyên Phổ từ quan ra Hà Nội làm báo theo những người yêu nước.

Tham gia lập trường “Đông kinh nghĩa thục”


Năm 1903, Đào Nguyên Phổ làm chủ bút cho tờ “Đại Nam đồng văn nhật báo” viết bằng chữ Hán, đặt dưới sự kiểm soát của Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ, nhưng tờ báo xuất bản bằng chữ Hán.


Tiếp xúc với nhiều người yêu nước cùng phong trào duy tân, Đào Nguyên Phổ cộng tác với “Đại Việt Tân Báo” viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ để cổ động cho phong trào Duy Tân.


Để giáo dục lòng yêu nước cho dân chúng, năm 1907, Đào Nguyên Phổ cùng các nhà trí thức khác như Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội, trường hoạt động với mục tiêu nhằm “khai dân trí, chấn dân khí”.


Trường rất xem trọng môn lịch sử, Đào Nguyên Phổ cũng là người viết lời tựa cho các cuốn sách sử như “Việt sử mông học”, “Việt sử tân ước toàn biên”.

Tư tưởng giáo dục


Đào Nguyên Phổ để lại nhiều tác phẩm giáo dục như “Ấu học tân thư” gồm bốn tập.

Tập 1: Ấu học khai tâm giáo khoa thư dạy về thiên nhiên, cây cỏ, thời tiết, chim muông. Tập 2: Ấu học tu thân giáo khoa thư dạy về luân lý, đạo đức. Cách tu dưỡng ăn ở đối xử với cha mẹ, bạn bè, người thân. Tập 3: Ấu học địa dư giáo khoa thư dạy về địa lý, chính trị Việt Nam. Tập 4: Ấu học lịch sử giáo khoa thư dạy về lịch sử Việt Nam.

Trong tác phẩm này ông có nói đến việc tu dưỡng ngay từ khi còn nhỏ.


Nói về công ơn cha mẹ ông viết: “Người ta lúc mới sinh ra, đói không thể tự ăn, rét không thể tự mặc. Cha mẹ bú mớm bồng bế, ốm đau thì mời thầy thuốc đến chữa bệnh, đến tuổi khôn lớn lại cho đi học. Cha mẹ vất vả khó nhọc như vậy, người làm con há có thể quên công ơn ấy”?


Về quan hệ anh em: “Anh em như là chân tay. Chân tay mạnh thì thân thể khỏe. Chân tay đau thì thân cũng đau… cùng một giọt máu của người cha, cùng một bào thai của người mẹ, cùng được cha mẹ nuôi dưỡng, không có cái gì là không cùng thì đừng nên trái tính nhau, trái tính nhau thì sẽ xung đột, xung đột thì sẽ xa cách, xa cách sẽ bất hòa… Tình máu mủ trở thành mâu thuẫn thì đạo nhà suy. Chẳng những đạo nhà suy mà đất nước cũng vậy”.

Đào Nguyên Phổ cũng xác định phải tu thân, trong tu thân thì phải biết về mối quan hệ giữa liêm và tham. Liêm là dũng tướng chế ngự quân tham, lòng người chưa hẳn ai đã khỏi tham nhưng cũng chưa hề không có liêm. Hai điều đó giao chiến ở trong bụng và tranh giành được thua. Để cho tham thắng liêm thì các nội tạng trong bụng đều là kho của kẻ cướp bóc. Để cho liêm luôn luôn thắng tham thì quân cướp bóc đều trở thành quân có tiết chế.


Trong các tác phẩm của mình ông còn hết lòng ca ngợi những anh hùng dân tộc trong lịch sử. Những lời tựa của ông cho các sách lịch sử cũng rất có giá trị. Như lời tựa của ông cho cuốn sách “Việt sử toát yếu” như sau:


“Người nước Nam ta biết Thái Sơn cao, Hoàng Hà sâu mà không rõ núi Tản mạch từ đâu đến, sông Cửu Long từ đâu chảy về. Lại biết Khổng Minh và Địch Nhân Kiệt mà không rõ Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn khí tiết oai phong như thế nào? Tuy nhiên gió có thổi ngược nhưng không gẫy được cột cờ. Sông nước có vỡ bờ nhưng xoáy mấy cũng không thể nghiêng trụ. Thực tế rồi cuối cùng cuốn “Toát yếu Việt sử” được soạn và lưu hành. Mọi người ai cũng xem, cũng đọc, thế là dân trí sẽ tăng, dân tài sẽ được mở rộng thêm nhiều đó. Vậy mong toàn quốc trẻ già hãy gắng học đi! Đó là điều các Nho gia chúng tôi đang mong đợi.”

Tưởng nhớ

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ hoạt động được 7 tháng thì người Pháp bắt phải đóng cửa. Năm 1908 xảy việc binh biến ở Hà Nội, người Pháp truy lùng ráo riết khiến Đào Nguyên Phổ phải tự sát để tránh liên đới đến gia đình và bạn bè.

Sau này con trai ông là Đào Trinh Nhất nối nghiệp cha trở thành nhà báo, nhà văn có tiếng, khai sinh ra số báo xuân, báo tết ở Việt Nam. Các con Đào Quốc Anh và Đỗ Thị Như Tuyết cháu Đào Nguyên Phổ đều tu nghiệp ở nước ngoài, trở thành bác sĩ, luật sư giỏi. Đào Quốc Anh và bà Đỗ Thị Như Tuyết có bốn người con đều là tiến sĩ.


Ngày nay từ đường họ Đào ở làng Thượng Phán được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Khuôn viên của từ đường trưng bày khá nhiều tư liệu về “hổ phụ sinh hổ tử” là cha con nhà báo Đào Nguyên Phổ và Đào Trinh Nhất.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook