Chuyển đất nông nghiệp sang nhà ở thương mại thì phải đấu giá
"Với nhà ở thương mại do chuyển mục đích từ đất nông nghiệp hoặc đất lâm nghiệp sang, Nhà nước phải đấu thầu, đấu giá để đảm bảo bình đẳng", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Chuyển đất nông nghiệp sang nhà ở thương mại thì phải đấu giá
Cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập nhiều đến quy định về thu hồi đất theo tính chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Dự thảo luật sửa đổi lần này bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với dự án được trên 80% người có đất thu hồi đồng ý.
Rất khó đưa ra điều kiện, tiêu chí thu hồi đất
Giải trình cuối phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho hay đây là nội dung đã được Nghị quyết 18 của Trung ương đề cập, song “chúng ta vẫn chưa thực hiện được".
Nghị quyết 18 của Trung ương nêu rõ việc quy định cụ thể về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cả cơ quan thẩm tra luật và nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý vấn đề này khi góp ý vào dự thảo luật sửa đổi.
Song, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận "cơ quan soạn thảo và các cơ quan, nhà khoa học có liên quan thấy rất khó khi đưa ra được điều kiện, tiêu chí".
Người đứng đầu ngành tài nguyên - môi trường giải thích quy định về thu hồi đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, đầu tư từ nguồn lực nhà nước, đầu tư công, dự án liên quan đến hạ tầng thì rất dễ.
Nhưng với dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Hà cho biết những gì có thể lượng hóa được thì đưa ra tiêu chí, điều kiện. Nhưng với những nội dung không lượng hóa được thì tạm thời liệt kê, giống như dự thảo luật sửa đổi đang làm.
"Chúng tôi biết phương pháp liệt kê cũng chưa thỏa đáng. Chế định thế nào để hiểu vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì cần phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo nội hàm này rõ hơn", theo lời ông Hà.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra), đánh giá việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận quy định này sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.
“Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án”, ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến khác lưu ý cần quy định rõ về tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để tránh việc lạm dụng, thu hồi đất tràn lan.
Làm rõ thêm về nội dung chuyển quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích Nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu phải quyết định, định đoạt thu hồi đất.
Theo ông, hiện nay, với trường hợp tự nhận chuyển nhượng trong các dự án người dân tự sắp xếp để tạo ra cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị trong một khu hẹp, hoặc tự chuyển nhượng để trực tiếp sản xuất và cung cấp dịch vụ bình thường, tức là không làm chênh lệch địa tô do quyền định đoạt này, thì không hạn chế.
“Việc này cũng giúp Nhà nước đảm bảo quyền lợi đối với người sử dụng đất bị thu hồi”, theo Trưởng ban soạn thảo dự án luật.
Quản lý việc người nước ngoài được tiếp cận nhà đất
Liên quan đến người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến thẩm tra cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài, dẫn đến bất cập trong công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng Hà nêu thực tế hiện nay, Luật Nhà ở đã cho phép người nước ngoài tiếp cận nhà ở cùng với đất. Mặt khác, theo Luật Đầu tư, với doanh nghiệp cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài dưới 49% thì được coi là doanh nghiệp Việt Nam.
"Như vậy, ở 2 luật này và ở 2 khu vực này, nghiễm nhiên đã có rất nhiều người nước ngoài được tiếp cận nhà và đất, có những doanh nghiệp nước ngoài cũng được tiếp cận với nhà đất. Nếu chúng ta không đưa vào để quản lý, làm sao đảm bảo được an ninh, quốc phòng", theo giải thích của Bộ trưởng Hà.
Ông một lần nữa nhấn mạnh dự thảo chỉ giải quyết vấn đề thực tế đã đặt ra.
Kết thúc phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Hoài Thu