Chuyện có thế mà mãi không làm

Chia sẻ Facebook
26/01/2024 04:35:28

Những chuyện theo kiểu “có thế thôi mà người ta nhất định không làm” thật ra nhiều lắm, không thể nói hết trong một bài báo nhỏ.

Tôi từng có một bài viết đăng trên tạp chí điện tử nguoiduatin.vn năm 2023, về việc kiểm duyệt nghệ thuật ở nước ta, trong đó nói nhiều chuyện, nhưng có một chuyện mà tôi để, bây giờ mới nói. Để, không phải là vì tâm lý muốn “đầu cơ”, muốn “găm hàng”, mà vì thấy mãi vẫn thế, chuyện đơn giản có thế mà người ta cứ mặc đấy, nhất định không làm.

Ấy là chuyện cách đây dăm bẩy năm, nếu có người còn nhớ, đã khiến một ông Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, phải bay chức. Thoạt tiên thì không có gì to tát: một đơn vị sản xuất băng đĩa hay tổ chức biểu diễn ca múa nhạc gì đó gửi đơn đến Cục để xin được cấp giấy phép, theo đúng quy định.

Trong danh sách ca khúc họ đưa lên để cơ quan quản lý ký, đóng dấu cho phát hành có bài “Con đường xưa em đi”, thơ của Hồ Đình Phương, Châu Kỳ phổ nhạc, và bốn bài khác nữa, đã bị cơ quan quản lý nhà nước “gạch tên”, với lý do nghe nói là để “chờ xác minh thêm về vấn đề tác giả và ca từ”.

Cái oái oăm là ở chỗ: bài hát này, vốn là nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nhưng từ trước vẫn được cấp phép một cách bình thường, vì thật ra nó... chẳng có vấn đề gì cả. Nay lại bị “gạch tên”, thì khiến cho người ta thấy lạ.

Khi báo chí các nơi chất vấn, một chuyên viên trong Cục lại đổ thêm dầu vào lửa bằng một câu, đại loại: “Trong bài hát này có mấy chữ “chiến trường anh bước đi”, thế ai bước đi và nó là cái chiến trường nào?”.

Vậy là, thiên hạ suy diễn, bài “Con đường xưa em đi” đã bị nhà đương cục đưa vào diện... bài hát không được cấp phép.

Sự việc trở nên ầm ĩ, đến mức Bộ Văn hóa phải ra quyết định yêu cầu Cục nghệ thuật biểu diễn rút lại quyết định nói trên. Thế là, dường như để thể hiện sự chân thành của nhà quản lý, lãnh đạo Cục nghệ thuật biểu không những chấp hành ngay, mà còn công bố luôn một danh sách mấy trăm bài hát Việt Nam trước năm 1975 thuộc vào diện “có thể sử dụng mà không cần phải xin cấp phép”.

Lại thêm một cái oái oăm nữa: trong danh sách này có cả những bài hát cách mạng rất nổi tiếng, nhất là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, tức Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946.

Dư luận như sôi lên: Quốc ca là tài sản của đất nước, của toàn dân, mà lại còn phải được mấy ông đồng ý cho vào diện sử dụng không cần xin phép nhà quản lý à? Cứ sôi lên mãi, rốt cuộc, ông Cục trưởng, người ký quyết định, bị buộc phải điều chuyển sang làm công việc khác, kém oai hơn.

Tất cả những chuyện ấy lẽ ra đã không xảy ra nếu ngay từ đầu người ta (Bộ Văn hóa-Thểthao-Du lịch) làm cái việc này: công bố dứt khoát một danh sách những bài hát trước năm 1975 không được cấp phép biểu diễn hoặc thu thanh để phát hành băng đĩa.

Dĩ nhiên rồi cũng sẽ gây tranh cãi, nhưng ít ra thì lệnh ấy nó rõ ràng: đây là những bài chúng tôi cấm, ngoài những bài cấm ấy thì các vị thoải mái sử dụng, không phải đơn từ xin xỏ gì ai. Hết chuyện.

(Đầu những năm 2000, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên TBT báo “Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh”, khi làm Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh đã vài lần hăng hái lên tiếng về việc phải có cái list “cấm” này, để tiện cho những người tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn hoặc sản xuất băng đĩa ca nhạc, tiện cho cả các nhà quản lý văn hóa). Thế nhưng người ta không làm. Đến bây giờ vẫn không/ chưa làm, và vì thế chẳng ai dám chắc những chuyện rắc rối đáng tiếc như vừa kể trên sẽ lại không xảy ra?

Những chuyện theo kiểu “có thế thôi mà người ta nhất định không làm” thật ra nhiều lắm, trong quản lý văn học nghệ thuật và báo chí, trong đời sống văn hóa xã hội nói chung, không thể nói hết trong một bài báo nhỏ. Nhưng tinh thần chung là: dù có thế thôi cũng nhất định không làm. Không làm là không làm. Không không là không.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chia sẻ Facebook