Chuyện cổ: Một ván cờ tiên, trăm năm thoáng chốc
Chuyện cổ: Một ván cờ tiên, trăm năm thoáng chốcMinghui •Chủ nhật, 20/11/2022
Trong văn hóa cả phương Đông và phương Tây đều tồn tại những câu chuyện cổ tích kỳ lạ về sự sai biệt thời gian giữa tiên giới và hạ giới như “Con gái chúa tể đầm lầy” của Andersen hay “Chàng Taro xuống thủy cung” của Nhật Bản, cũng như câu chuyện “Một ván cờ tiên, trăm năm thoáng chốc” dưới đây. Các câu chuyện như vậy so với những lời đồn đại về đường hầm thời gian tại Bermuda có gì khác nhau? Chúng đều là những ẩn đố mà khoa học nhân loại chưa thể nào động chạm đến.
Vào đời nhà Đường, nhà thơ Lưu Vũ Tích bị giáng chức 22 năm. Trên đường được triệu hồi về kinh, ông đi qua Dương Châu và gặp gỡ Bạch Cư Dị. Hai nhà thơ cùng nhau uống rượu đàm luận chuyện xưa, ngậm ngùi cảm khái những tháng ngày đã qua. Họ làm thơ tặng nhau để hoài niệm về chí hướng một thời. Bạch Cư Dị viết tặng Lưu Vũ Tích bài “Túy tặng Lưu nhị thập bát sử quân” . Lưu Vũ Tích viết bài “Thù Lạc Thiên Dương Châu sơ phùng độ thượng kiến tặng”.
Trong bài thơ của Lưu Vũ Tích có bốn câu thơ được nhiều người biết đến:
Trầm chu tắc bạn thiên phàm quá,
Bệnh thụ tiền đầu vạn mộc xuân.
Kim nhật thính quân ca nhất khúc,
Tạm bằng bôi tửu trường tinh thần.
Dịch nghĩa:
Thuyền chìm nhìn nghiêng thấy cả ngàn cánh buồm vẫn vượt qua,
Cây bị bệnh thấy trên đầu hàng vạn cây xanh tốt.
Hôm nay được nghe ông ngâm bài thơ tặng,
Tôi tạm nhờ men rượu giúp tinh thần vươn cao dài.
Dịch thơ:
Thuyền đắm thấy ngàn buồm gió lướt
Cây đau có vạn nhánh xuân đâm.
Hôm nay nghe được ông ca tặng
Tạm cậy hơi men dưỡng trí tâm.
(Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu, Thi Viện)
Tuy vậy, trước bốn câu này có hai câu thơ ít người biết đến hơn:
Hoài cựu không ngâm Văn địch phú,
Đáo hương phiên tự lạn kha nhân.
Dịch nghĩa:
Nhớ bạn cũ đã mất, ngâm suông bài Văn địch phú,
Về quê xưa thấy giống kẻ cầm cán rìu mục nát trong tích cũ.
Dịch thơ:
Bạn xưa ngâm phú vài vần
Về quê thấy tựa như anh mục rìu
(Bản dịch của Nguyễn Minh, Thi Viện)
Ở đây, Lưu Vũ Tích nhắc đến một điển cố trong “Thuật dị ký” của Nhậm Phưởng đời nhà Lương Nam triều. Điển cố này chính là câu chuyện “xem xong ván cờ tiên, trăm năm đã trôi qua” vô cùng thú vị.
Thời nhà Tấn, ở vùng Giang Nam có một người tên là Vương Chất. Một hôm, anh ta lên núi đốn củi. Trong lúc không chú ý, Vương Chất đã đi vào trong núi Thạch Thất ở vùng Tín An. Rất ít người đặt chân đến vùng núi này. Đây là một nơi yên tĩnh và tách biệt, không khí trong lành, suối chảy róc rách, ánh nắng nhẹ nhàng chiếu rọi, hệt như chốn tiên cảnh.
Anh cứ đi mãi đi mãi cho đến khi bắt gặp một ông lão và một đồng tử đang chơi cờ vây trên tảng đá lớn bên cạnh khe suối. Vương Chất rất thích chơi cờ nên đã dừng lại xem. Anh bỏ chiếc rìu đốn củi xuống đất và say mê xem các quân cờ di chuyển.
Vương Chất xem vô cùng tập trung, cũng không biết là mình đã xem trong thời gian bao lâu nữa.
Đột nhiên đồng tử ngẩng đầu lên nói với anh ta: “Đã đến lúc anh về nhà rồi.”
Vương Chất mới sực nhớ ra là mình lên núi để đốn củi. Anh cúi người nhặt lấy chiếc rìu thì thấy cán rìu đã mục nát, lưỡi rìu sắc bén cũng bị gỉ sét và nhấp nhô không đều nhau.
Vương Chất vô cùng kinh ngạc, trong tâm không thể hiểu nổi. Chẳng phải chỉ mới xong một ván cờ thôi sao! Làm sao mà cán rìu lại mục nát, lưỡi rìu thì gỉ sét thế này! Từ lúc xuống núi cho tới khi về đến thôn làng, anh phát hiện là diện mạo toàn bộ thôn làng đã thay đổi. Trong thôn cũng không có ai nhận ra anh. Vương Chất đến hỏi thăm, một vài trưởng bối nói rằng những điều anh vừa nói là chuyện của một trăm năm về trước.
Vốn là Vương Chất đi vào núi Thạch Thất đốn củi đã lạc vào thế giới Thần tiên và gặp được Thần tiên đang chơi cờ. Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất. Mặc dù Vương Chất chỉ ở lại trong núi một lúc nhưng thế gian con người đã trải qua trăm năm lịch sử rồi. Câu chuyện thần kỳ này được lưu truyền cho đến nay. “Lạn kha” trong câu thơ của Lưu Vũ Tích chính là chỉ cán rìu mục nát. Hiện nay núi Thạch Thất cũng được người đời gọi là núi Lạn Kha.
Theo “Câu chuyện đi xuyên thời không: Xem xong ván cờ tiên, trăm năm đã trôi qua”
Đăng trên Minghui.org
Chuyện cổ Phật gia: Sinh mệnh đời người rốt cuộc dài bao lâu?
Mời xem video “Dùng Nho làm người, dùng Đạo dưỡng sinh, dùng Thiền dưỡng tâm”