Chuyện chưa kể sau kỷ lục ghép tim xuyên Việt

Chia sẻ Facebook
12/05/2022 20:18:19

Sau động tác vuốt nhẹ của bác sĩ mổ, trái tim vừa được ghép bắt đầu thoi thóp đập trở lại. Cả kíp mổ vỡ òa niềm vui, lần đầu tiên họ trải nghiệm phút giây chờ đợi sự sống được trở lại nhanh như vậy.

Bệnh nhân M.S.H. hồi phục tốt sau ca ghép tim xuyên Việt lập kỷ lục ở Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: THƯỢNG HIỂN


Cũng chính họ - kíp mổ ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế - không ngờ được rằng mình đã lập được liên tiếp hai kỷ lục: ca ghép tim xuyên Việt trong thời gian tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất từ trước đến nay.


Lập được kỷ lục tất nhiên là vui rồi, nhưng chúng tôi không cho phép mình chìm trong hào quang quá khứ. Chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, bởi việc ghép tạng ở miền Trung đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Bác sĩ TRẦN HOÀI ÂN


"Như một cuộc chiến cứu người"

"Sau ghép tim, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu. Ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhân đã uống được liên tục hai hộp sữa", bác sĩ CKII Trần Hoài Ân - giám đốc Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế), phẫu thuật viên chính ca mổ ghép tim thứ 9 tại bệnh viện - vui mừng tâm sự.

Bác sĩ Ân trực tiếp tham gia cả 8 ca ghép tim xuyên Việt được thực hiện ở Bệnh viện Trung ương Huế. Dù kinh nghiệm dày dạn, đã thực hiện nhiều cuộc ghép tim và thận, nhưng với bác sĩ Ân "mỗi cuộc ghép tim là một cuộc chiến và chẳng cuộc chiến nào giống nhau cả".

Mờ sớm 6-5, kíp chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế đã sẵn sàng bắt đầu ca mổ ghép thận cho một bệnh nhân vào lúc 6h sáng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM).

Dự kiến sau ca mổ này, nhóm chuyên gia sẽ cấp tốc sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh) để mổ lấy tim bệnh nhân chết não rồi đưa ra Huế bằng chuyến bay 12h trưa.

Nào ngờ ca phẫu thuật ghép thận gặp khó, người được ghép thận có đến 3 động mạch cần được nối lại nên ca mổ phải kéo dài.

"Nếu chờ ghép thận xong thì không kịp, phải chia người đi nhận tim ngay", GS.TS Phạm Như Hiệp - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cùng tham gia đoàn chuyên gia - nói. Một bác sĩ cùng một kỹ thuật viên được cử chạy ngay sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định để mổ lấy tim người hiến tặng. Quả tim được đưa ra khỏi lồng ngực người hiến vào lúc 10h47.

"Nhận tim xong, chúng tôi chạy ù ra sân bay bằng xe cấp cứu có cảnh sát hộ tống. Máy bay đáp xuống Huế, xe cấp cứu đã chờ sẵn ở cầu thang máy bay để chở kíp mổ về bệnh viện", bác sĩ Ân kể.

Ở Huế, khi nhận tin máy bay chở quả tim vừa cất cánh thì cùng lúc đó bệnh nhân nhận tim M.S.H. (37 tuổi) được đưa vào phòng mổ. Và khi máy bay vừa hạ cánh, các bác sĩ liền tiến hành mở lồng ngực.

Kíp mổ vừa về đến bệnh viện thì lập tức vào ngay phòng mổ và thực hiện ghép tim.

Thời điểm hồi hộp nhất cũng đến sau hơn 1 giờ phẫu thuật. Bác sĩ Ân nhẹ nhàng vuốt xung quanh quả tim để kích thích phản ứng co bóp. Mọi ánh nhìn đều hướng về quả tim vẫn im lìm, kíp mổ như nín thở.

"Thịch, thịch" - quả tim thoi thóp đập trở lại. Các chỉ số sự sống cũng bắt đầu nhấp nháy trên màn hình máy tính, cả phòng mổ vỡ òa niềm vui.

"Thú thật đó là phút giây căng thẳng nhất với những người tham gia phẫu thuật như chúng tôi, bởi đó là mạng sống của một con người. Có người nói chúng tôi làm phẫu thuật như mổ gà, nhưng thực ra không phải vậy, bởi ai cũng có cảm xúc cả, chẳng ai có thể bàng quan trước mạng sống của một con người", bác sĩ Ân trải lòng.

Kíp bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế sau khi nhận tim từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tức tốc bay về Huế để ghép tim vào hôm 6-5 - Ảnh: L.HƯƠNG


Đằng sau những kỷ lục cứu người

Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú - phó giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế - nói rằng sau khi ca phẫu thuật thành công, chính mọi người trong kíp mổ cũng không ngờ mình đã lập được hai kỷ lục như vậy.

Để có được thành công đó, theo bác sĩ Tú, đòi hỏi êkip phẫu thuật phải là những người dạn dày kinh nghiệm và luôn bình tĩnh trước mọi tình huống bất ngờ - một yếu tố "không thể thiếu" trong mỗi ca ghép tim.


"Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng trong ghép tim sẽ chẳng có sợi dây kinh nghiệm nào được rút ra, bởi chẳng có ca ghép nào giống nhau. Đòi hỏi toàn bộ người tham gia ghép phải là những người chuyên môn giỏi, thật bản lĩnh và có thần kinh thép", bác sĩ Tú tâm sự.

Như trường hợp ca ghép tim kỷ lục, bác sĩ Tú kể rằng bà cùng bác sĩ Huế tức tốc chạy đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để nhận tim. Cùng đến với êkip ở Huế là các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đến để nhận thận, gan của cùng một người hiến.

Khi hộp đựng quả tim được người của Bệnh viện Nhân dân Gia Định trao tận tay cho đoàn bác sĩ ở Huế, bất chợt trong đầu bác sĩ Tú hiện lên ý nghĩ: "Có khi nào người ta trao nhầm hộp chứa thận hay gan cho mình?".

"GS Hiệp, trưởng nhóm, lúc đó cũng hỏi lại tôi có chắc đây là hộp chứa tim hay không? Khi hỏi lại thật chắc chắn thì chúng tôi mới rời đi. Có lẽ chúng tôi đã lo lắng thái quá, nhưng đó cũng là bản năng của những người tham gia ghép tạng, phải thận trọng bởi mọi trường hợp đều có thể xảy ra", bác sĩ Tú kể.

Khi đoàn bác sĩ Huế cùng quả tim ra đến sân bay thì bất ngờ lực lượng an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị đoàn nán lại để kiểm tra.

Nguyên nhân là trước đây, khi vận chuyển tim, các bác sĩ thường dùng một chất bảo quản tạng nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên, loại chất này từ 2 năm trở lại đây không còn được nhập về Việt Nam nữa nên phải sử dụng một hợp chất khác chứa thành phần kali - một chất có nguy cơ cháy nổ và không được đưa lên máy bay.

"Sau đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chúng tôi đã làm việc với Hãng hàng không Vietnam Airlines và mọi chuyện được giải quyết rất nhanh sau đó để kịp giờ đưa tim ra Huế đúng kế hoạch", bác sĩ Tú kể.

Ngay sau khi đưa tim về Huế, các bác sĩ đã tức tốc vào phòng mổ để phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân - Ảnh: THƯỢNG HIỂN


Còn lắm trăn trở

Theo bác sĩ Ân, hiện ở Bệnh viện Trung ương Huế đang có khoảng 50 bệnh nhân đang chờ được ghép tim, trong khi nguồn tạng được hiến từ người chết não ở khu vực này thì gần như bằng 0.

"Trở ngại lớn nhất có lẽ từ tư duy, cách nghĩ trong việc hiến tạng của người thân sau chết não còn nặng nề, chưa được thoáng và khoa học. Nguồn tạng được ghép ở Huế chủ yếu được lấy từ hai đầu đất nước, dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối thuộc Trung tâm Ghép tạng quốc gia", bác sĩ Ân nói.

Cũng chính vì vậy, một khó khăn nữa trong việc ghép tạng ở Huế gặp phải đó là khoảng cách địa lý. Hiện tần suất chuyến bay từ Huế đi và đến Hà Nội, TP.HCM là rất ít.

Do vậy, từng có trường hợp do không có chuyến bay thẳng nên đội ngũ bác sĩ ở Huế phải lấy tim ở TP.HCM rồi bay về TP Đà Nẵng, sau đó lên xe cấp cứu hú còi chạy về Huế cho kịp.

GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nói rằng do những khó khăn nêu trên nên đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện phải không ngừng học tập, tiếp cận những kỹ thuật ghép tạng mới nhất trên thế giới để thực hiện thành công các ca phẫu thuật thuộc dạng "khó nhằn" nhất của y học hiện đại.

"Chúng tôi không ngừng gửi những đội ngũ y bác sĩ có tay nghề đi học tập ở các nền y học tiên tiến như Mỹ, Pháp, Úc... để rồi quay trở lại phục vụ bệnh nhân. Đáng mừng là cả 9 ca ghép tim ở Huế, trong đó có 8 ca ghép tim xuyên Việt, đến thời điểm hiện tại thì bệnh nhân đều khỏe mạnh", ông Hiệp nói.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa lập hai kỷ lục khi thực hiện một ca ghép tim xuyên Việt trong thời gian tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ Facebook