Chuyện chưa kể hậu Shark Tank của CEO Jungle Boss - người tìm ra siêu hố sụt sâu nhất và sở hữu tour đu dây "thót tim" nhất Việt Nam
Hàng triệu năm trước, từ một hoặc nhiều đứt gãy địa chất, phần trần của hang động núi đá vôi sụt xuống. Dưới bàn tay kiến tạo của tự nhiên, nơi đó dần hình thành những vạt rừng xanh bên dòng suối mát lành và thảm động thực vật phong phú. Đó là cách mà hố sụt ra đời. Năm 2019, một nhóm người ưa thám hiểm lần đầu tiên tìm ra hố sụt Kong ở hang Hổ (Quảng Bình). Sau này họ mới biết, đó là hố sụt sâu nhất Việt Nam với độ sâu khoảng 450m, tương đương chiều cao của tòa nhà Landmark 81.
Tháng 5/2022, một người trong nhóm thám hiểm năm đó mang sản phẩm du lịch mạo hiểm đu dây khám phá hố sụt Kong đến với chương trình Shark Tank để kêu gọi số vốn 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần của công ty.
Anh là Lê Lưu Dũng - CEO kiêm Founder của Công ty du lịch Jungle Boss.
Rất nhanh, mô hình du lịch mạo hiểm mới lạ của Jungle Boss đã nhận được sự yêu thích và đề nghị đầu tư của 3 vị "cá mập" là Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Hòa Bình và Lê Hùng Anh. Thậm chí để giành được quyền đàm phán từ ông Lê Hùng Anh, thì ông Phạm Thanh Hưng còn phải rút ra vé vàng giá trị lên tới 400 triệu đồng.
Sau khi được phát sóng, số lượt tìm kiếm về Jungle Boss - doanh nghiệp du lịch mạo hiểm độc quyền tour đu dây hố sụt Kong tại Phong Nha, Quảng Bình - tăng lên đáng kể. Giữa vô vàn những lựa chọn nghỉ dưỡng, ngày càng nhiều người Việt Nam đang quan tâm hơn tới loại hình du lịch mạo hiểm.
Tour đu dây hố sụt Kong được người Jungle Boss đánh giá là có mức độ mạo hiểm cao nhất Việt Nam hiện nay, với trải nghiệm du khách tự mình đu dây từ độ cao 100m. Để dễ tưởng tượng, bạn hãy hình dung cảnh người thợ lau kính treo mình bên ngoài một tòa nhà cao khoảng 33 tầng. Đó quả thực là một thách thức lớn ngay cả đối với những người không sợ độ cao.
"Tôi là người không sợ độ cao và có máu lì liều cao, nhưng trước khi bắt đầu, nhìn xuống vực sâu thăm thẳm bên dưới đã khiến tim tôi thắt lại. Bước chân đầu tiên là bước khó nhất, tôi bắt mình không được nghĩ gì cả, nếu suy nghĩ tôi sẽ không thể tiếp tục. Mọi chuyện dần ổn hơn khi đã bước được bước đầu tiên".
Nỗi sợ hãi nhanh chóng qua đi, Linh cảm thấy yên tâm hơn khi nhận được sự động viên của trợ lý an toàn đứng hai đầu trên dưới.
"Tôi lơ lửng giữa không gian bên trong miệng hố sụt. Tôi buộc phải đặt niềm tin vào sợi dây thừng không quen biết đang nâng đỡ trọng lượng gần 50 kg của mình. Andrenaline đã lan tới từng tế bào nhưng lý trí bảo với tôi, hãy dừng lại và cảm nhận. Âm thanh của gió luồn qua những hốc núi, tiếng chim hót réo ran, tiếng muông thú lẫn với tiếng suối chảy…
Màu sắc của nắng hắt lên vách núi đá. Màu xanh của cây cối trùng điệp bên dưới. Lúc chúng tôi ngồi nghỉ giữa khe núi, một cơn gió cuốn theo đám lá cây, chao liệng trước mắt tôi. Đẹp mắt và lãng mạn vô cùng.
Cuối cùng, tôi đáp xuống đáy hang trong sự ngỡ ngàng vì… mọi thứ trôi qua nhanh quá. Giống như một thước phim quay trước mắt tôi, còn đang ngây ngất trong từng khung hình, tôi đã phải nói lời tạm biệt. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao tôi có thể sẽ quay lại Kong để đu dây lần nữa",
Bên dòng sông Son một ngày mưa, lác đác thuyền máy xuôi dòng đưa khách vào tham quan động Phong Nha, tôi thoáng nghe được cuộc trò chuyện của CEO Lê Lưu Dũng với nhân viên qua điện thoại. "Từ super có một chữ 'p', em viết thừa một chữ 'p' rồi, sửa đi".
Cuộc trao đổi ngắn ngủi khiến tôi nhớ đến câu nói của một người làm trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm: "Công việc này cần sự tập trung và tỉ mỉ. Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng".
Lê Lưu Dũng sinh ra và lớn lên tại vùng biển Quảng Trị. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Huế, anh về Quảng Bình làm cho một tổ chức phi chính phủ của Đức tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Công việc khi đó là cứu hộ động vật hoang dã, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân địa phương, qua đó giảm thiểu tác động lên rừng.
"Thời gian đầu về Phong Nha buồn lắm, cuối tuần tôi phải vào lại Huế chơi. Khi đó du lịch Quảng Bình chưa phát triển, chỉ có mỗi động Phong Nha. Xung quanh người dân làm ruộng, xóm làng buồn hiu, không có khách sạn hay homestay. Nhà hàng thì có một quán, đi ra lại đi vô",
Người đàn ông 36 tuổi tự nhận, chính tình yêu với những cánh rừng ở Phong Nha đã giữ anh ở lại mảnh đất này, mặc dù khi đó anh có thể tìm được công việc tốt ở các thành phố lớn.
Năm 2015, Lê Lưu Dũng khởi nghiệp Jungle Boss với 3 gian nhà gỗ trị giá 150 triệu đồng để kinh doanh homestay. Sau 6 tháng, anh mở ra doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour trekking rừng đi về trong ngày. Trong năm đầu tiên, anh Dũng làm tất cả một mình với thời gian làm việc lên tới 20 tiếng/ngày. Việc kinh doanh dần đi vào quỹ đạo và phát triển, tour trekking được mở rộng ra 2 - 3 ngày nhưng mọi thứ chỉ thực sự bứt tốc khi dịch vụ đu dây hố sụt Kong ra đời.
Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp, anh Dũng cho biết phải vượt qua 3 trở ngại lớn. Một là tài chính eo hẹp, hai là khó khăn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự, ba là khả năng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại chuyên dùng cho các hoạt động mạo hiểm.
Nếu không phát hiện ra hố sụt Kong, có lẽ Jungle Boss cũng sẽ không có gì quá khác biệt so với các doanh nghiệp du lịch khác ở Phong Nha – Quảng Bình.
Tìm thấy Kong là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của tour đu dây mạo hiểm, một sản phẩm dịch vụ độc đáo có giá 35 triệu đồng/tour, hiện đang chiếm hơn 50% doanh số của Jungle Boss.
Trước đây, anh Dũng và các cộng sự thường xuyên cắm trại ở một điểm cách hố sụt Kong chỉ khoảng 500 mét, nhưng họ không hề biết đến sự tồn tại của nó cho đến một lần xem lại ảnh chụp từ flycam.
Từ bức ảnh vô tình lộ ra hốc mặt ở hố sụt, họ quay trở lại. Sau nhiều lần tìm kiếm, trải qua đủ cung bậc từ lạc đường, thất bại cho đến khi tìm được hoàn chỉnh lối vào ra và tiếp cận đáy của Kong, nhóm thám hiểm của họ mới có thể vui mừng đã chinh phục được Kong – hố sụt sâu nhất Việt Nam (cho đến thời điểm này).
Hố sụt vẫn nằm đó hàng triệu năm nay và việc tìm ra nó có thể được coi là may mắn. Nhưng trước khi tìm thấy Kong, Lê Dũng cùng cộng sự đã thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm hang, động lớn nhỏ khắp núi rừng Phong Nha. Không ai nói trước với họ, chuyến đi này sẽ thu hoạch được kết quả ra sao, có giá trị hay không.
Những người Jungle Boss yêu rừng một cách bản năng. Với họ, những chuyến thám hiểm hang động như những hành trình đầy hạnh phúc trong cuộc sống, vừa thỏa mãn sự đam mê vừa để khám phá những điều đẹp đẽ, kỳ diệu của thiên nhiên mà con người chưa biết tới.
Mặc dù vậy, một người ưa thích và có kỹ năng thám hiểm hang động có lẽ sẽ chỉ trở thành một nhà thám hiểm hang động, thay vì một doanh nhân, nếu không có tư duy thương mại hóa thành sản phẩm du lịch.
Năm 2020, Lê Lưu Dũng mời Hiệp hội hang động Mỹ đến Phong Nha để cùng khảo sát, nghiên cứu và xây dựng phương án du lịch thám hiểm hố sụt Kong.
Có hai vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, phải tìm được điểm xuống đủ an toàn để khoan đặt vị trí móc dây. Thứ hai, sau khi xuống đến đáy Kong, cần tìm được đường ra bên ngoài để du khách không phải trèo ngược lên.
Cuối cùng, để đưa được tour vào hoạt động, Jungle Boss phải lập đề án cụ thể, cùng Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án và quy trình vận hành, vừa đảm bảo yếu tố an toàn, vừa giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên. Sau đó, trải qua quá trình xét duyệt, thẩm tra kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, dự án mới được cấp phép hoạt động.
Từ cuối năm 2021, tour đu dây hố sụt Kong chính thức vận hành và cho đến nay đã đón hơn 500 lượt du khách.
Đơn vị nào kinh doanh trong ngành du lịch hay dịch vụ cũng đều quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng. Khi được hỏi, với Jungle Boss "bán trải nghiệm cho khách hàng" là như thế nào, CEO Lê Dũng giải thích.
"Trải nghiệm ở đây là thám hiểm thực sự. Hang động thì có nhiều, ở riêng Quảng Bình đã phát hiện ra tới 400 hang động nhưng tôi không muốn đi theo lối mòn. Tôi muốn tái hiện lại cách những nhà thám hiểm hang động họ đi và muốn cho khách hàng được trải nghiệm y như vậy. Mọi thứ phải làm theo cách hoang sơ nhất có thể, đương nhiên là phải đảm bảo an toàn".
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, sản phẩm của Jungle Boss được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cốt lõi. Thứ nhất là quy trình vận hành chặt chẽ từ khâu phỏng vấn sức khỏe tâm sinh lý, bệnh nền của khách hàng, tới việc tư vấn, đào tạo kỹ năng trước khi đi tour. Thứ hai là sử dụng toàn bộ dụng cụ thiết bị chuyên nghiệp nhập khẩu từ những quốc gia như Đức, Anh, Mỹ… Thứ ba là bộ máy nhân sự đảm nhiệm công việc trợ lý an toàn đáng tin cậy.
"Đội ngũ vận hành tour này rất đặc biệt, phải mất thời gian để anh em được đào tạo bài bản với chuyên gia nước ngoài các kỹ năng về cứu hộ trên dây, kỹ năng xử lý trên dây đơn…",
Ngày đầu tiên trong hành trình, khách hàng sẽ được đào tạo cách sử dụng thiết bị và các kỹ năng đu dây cần thiết tại trụ sở của Jungle Boss ở thị trấn Phong Nha với mô hình có chiều cao 10m. Tuy nhiên, không phải ai hoàn thành xuất sắc buổi trải nghiệm "nháp" cũng sẽ giữ được "trái tim dũng cảm" khi đối mặt với những vách đá sừng sững trên thực tế.
Đó chính là vấn đề mà tập thể Jungle Boss phải giải quyết để mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho khách hàng.
"Dây đu chính (dây khách hàng tự điều khiển) sử dụng thiết bị là loại tự động khóa dây khi họ buông tay, đồng thời 'khóa' lại nỗi sợ của họ"
Ngược lại, có những trường hợp, càng hoảng sợ người ta lại càng bóp chặt thiết bị. Lúc này, dây bảo hộ (dây an toàn) do trợ lý an toàn giữ sẽ phát huy tác dụng. Bình thường dây bị khóa, nếu có vấn đề hoặc khách hàng hoảng loạn bóp nhiều lên dây chính dẫn đến bị đi quá nhanh thì trợ lý an toàn sẽ khóa dây bảo hộ để đảm bảo an toàn.
"Bên cạnh khách hàng không chỉ có 3 dây, dây chính, dây bảo hộ và dây cứu hộ, mà còn có những nhân viên trợ lý an toàn đứng phía trên, phía dưới luôn quan sát và sẵn sàng hỗ trợ khách hàng mọi lúc",
Sẽ có những nghi ngờ đặt ra về tiềm năng phát triển doanh thu của Jungle Boss trong tương lai khi sản phẩm đu dây mặc dù có giá khá cao (35 triệu đồng/tour) nhưng bị giới hạn lượt khách khai thác.
Vấn đề này từng được CEO Lê Lưu Dũng trả lời trong chương trình Shark Tank Việt Nam.
Mặc dù đem lại doanh thu tốt, nhưng tour đu dây hố sụt Kong chỉ được nhận tối đa 10 khách mỗi lượt do yếu tố bảo đảm chất lượng an toàn và bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, đu dây là sản phẩm đặc trưng mang tính "flagship", chứ không phải sản phẩm duy nhất của Jungle Boss. Họ đang khai thác tổng cộng 8 tour khám phá các khu vực trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Có những tour mức độ mạo hiểm ít hơn và đương nhiên giá cũng "mềm" hơn.
Thách thức của Jungle Boss, như những doanh nghiệp du lịch khác, là luôn phải đa dạng hóa sản phẩm để tăng nguồn thu.
Theo vị CEO sinh năm 1985, đầu năm 2022, Jungle Boss sẽ cho ra mắt sản phẩm Glamping - cắm trại cao cấp.
Glamping (cắm trại) trong rừng không phải sản phẩm mới nhưng hướng Jungle Boss dự định tiếp cận là thiết kế sản phẩm cao cấp hơn như lều lớn hơn, đồ đạc sang trọng hơn, có nhà vệ sinh riêng, bồn tắm ngâm thảo dược (giữa rừng), món ăn cao cấp hơn…
"Quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ làm dịch vụ chuyên nghiệp, 'cắm chốt' ở khu vực cắm trại để chăm sóc, phục vụ và giải quyết các nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất",
Định hướng xa hơn của CEO Lê Dũng, đó là đem thứ họ đang mạnh nhất đi mở rộng quy mô ra khỏi ranh giới Quảng Bình. Tức là Jungle Boss muốn làm đu dây, không chỉ ở Kong, ở Quảng Bình mà có thể đu dây thám hiểm các hang động ở địa phương khác.
Dự tính này xuất phát từ sự tự tin của CEO Jungle Boss về việc đang có đội ngũ trợ lý an toàn đầy đam mê và được đào tạo bài bản từ các chuyên gia Hiệp hội hang động Mỹ.
"Làm du lịch mạo hiểm, khó nhất là con người. Vừa phải có kỹ năng, sức khỏe, phản xạ tốt, lại cần phải yêu nghề, nhiệt tình và đam mê rừng núi. Tài sản trị giá nhất ở Jungle Boss không phải nhà đất, xe cộ hay thiết bị. Đó là con người",
Ở trụ sở của Jungle Boss một ngày mưa tháng 10, hơn chục người đàn ông trong trang phục chuyên dụng, đầu đội mũ bảo hiểm, đeo đai lưng và găng tay đang tranh thủ ngày đóng tour để tập huấn, đào tạo kỹ năng xử lý trên dây. Họ chính là đội ngũ trợ lý an toàn của Jungle Boss, nhân tố quan trọng làm nên sản phẩm mạo hiểm đu dây.
"Để làm được trợ lý an toàn cho tour đu dây Kong đòi hỏi phải biết hết tất cả các kỹ năng xử lý dây. Một số hoạt động khác chẳng hạn chỉ cần biết kỹ năng đu xuống, còn ở đây bắt buộc phải biết đu lên và đu xuống",
Captain Úy là một người con của đất Phong Nha, anh có hơn chục năm thám hiểm vô số hang động ở Quảng Bình, trong số đó có những hành trình đi cùng các chuyên gia hang động quốc tế. Chính Captain cũng đã tự mình khám phá ra một số hang động, trong đó có những hang được đặt tên theo tên anh, hang Uý.
Lẫn trong những gương mặt rám nắng, một chàng trai với nước da trắng trẻo có giọng nói ấm áp và nụ cười hiền lành. Cậu tên Mạnh Cường, mới gia nhập Jungle Boss từ đầu năm 2022. Sau một lần đi tour của công ty, Cường đã "phải lòng" cảnh đẹp của núi rừng, hang động Phong Nha đến mức quyết định từ bỏ công việc giảng dạy tiếng Nhật ở Hà Nội, về Jungle Boss làm trợ lý an toàn.
Gia đình và bạn bè từng không thể hiểu nổi, động lực gì khiến Cường sẵn sàng bỏ lại 5 năm du học chuyên sâu tiếng Nhật và môi trường văn phòng với thu nhập cao để dấn thân vào rừng núi làm công việc vất vả và mạo hiểm.
"Khi tìm được đúng đam mê của cuộc đời mình thì dù khó khăn, vất vả đến đâu tôi vẫn cảm nhận được những điều thú vị và điều tuyệt vời trong công việc của mình."
Bài viết: An Vũ Thiết kế: Tiêng Tiêng Ảnh: NVCC
Theo Tổ quốc