Chuyện Chu Công giáo dục đế vương trở thành minh quân
Đế Vương không chỉ phải được giáo dục thành một người tài đức mà còn phải trở thành một vị minh quân. Điều đó quan hệ tới vận mệnh...
Thời cổ đại, các bậc Đế Vương được giáo dục như thế nào luôn là điều khiến người đời sau mong muốn tìm hiểu. Bởi Đế Vương không chỉ phải được dưỡng dạy thành một người tài đức mà còn phải thành một vị minh quân. Quả thực, câu chuyện mà các bậc Đế Vương truyền lại cho đời sau đều thể hiện ra những phương pháp giáo dục vừa khéo léo, đức độ, lại tài trí, khiến hậu nhân không thể không tán dương.
Chu Công tên thật là Cơ Đán, là con trai của Chu Văn Vương, em trai của Chu Vũ Vương và là chú ruột đồng thời là thầy giáo của Chu Thành Vương. Ông trợ giúp Chu Vũ Vương phạt Trụ diệt Thương, là trọng thần khai quốc của nhà Tây Chu.
Sau khi Chu Vũ Vương mất, vì con trai là Chu Thành Vương tuổi còn nhỏ nên Chu Công trở thành người nắm giữ quyền triều chính.
Chu Công vừa để tâm đến việc triều chính, vừa đồng thời ân cần giáo dục cháu là Chu Thành Vương phải chuyên cần việc triều chính, yêu thương dân chúng, khiêm tốn và biết tự kiềm chế bản thân, phải hiểu lễ nghi và có tác phong của người hiền tài.
Trong quá trình dạy bảo cháu, Chu Công có ghi chép lại hai bộ gia huấn truyền lại cho đời sau là “Giới tử Bá Cầm” và “Giới chất Thành Vương” . Về sau, hai bộ gia huấn này được hợp lại thành một bộ, gọi là “Cơ Đán gia huấn”.
Có một câu chuyện xảy ra trong cuộc đời Hoàng đế Chu Thành Vương, khiến ông ghi nhớ kỹ suốt đời như sau:
Thuở còn nhỏ, một lần, Chu Thành Vương cùng em trai Thúc Ngu chơi ở dưới gốc cây ngô đồng (cây vông) sau Hoàng cung. Chu Thành Vương cắt một chiếc lá ngô đồng thành hình viên ngọc và đưa cho em trai, nói: “Anh dùng cái này phong tước cho em.”
Chu Công nghe thấy lời ấy, liền tiến đến bái kiến và nói: “Đại vương phong tước cho em trai, thật là việc tốt!”
Chu Thành Vương nói: “Ta chẳng qua chỉ là đang chơi đùa một chút với em mà thôi!”
Chu Công nghiêm túc nói: “Thiên Tử không thể nói đùa, Thiên Tử nói gì, người chép sử ghi lại thế ấy, nhạc công hát thế ấy, đại thần truyền bá thế ấy. Thiên Tử đã nói là nhất định phải làm.”
Vì thế, Chu Thành Vương đã phong cho em trai làm Ứng hầu.
Sự việc này thực sự đã làm cho Chu Thành Vương ghi nhớ suốt đời. Cho đến tận lúc băng hà, Chu Thành Vương cũng vẫn nhớ kỹ: Trước khi nói lời phải suy ngẫm kỹ càng, lời nói của Vua là không thể bông đùa, phải thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm với lời nói của mình, nói lời phải giữ chữ tín. Đây cũng là điển cố nổi tiếng “Đồng diệp phong đệ”.
Trong thiên “Vô dật” của cuốn sách “ Thượng thư “ nổi tiếng có viết: “Quân tử sở, kì vô dật” (Tạm dịch: Nơi người quân tử ở là chớ có nhàn rỗi). Đây là lời Chu Công dạy Chu Thành Vương khi chấp chính phải siêng năng, cần kiệm, không được ham hưởng nhàn rỗi.
Về sau, những lời này đã trở thành câu mà nhiều bậc Đế vương dùng làm lời giáo huấn con cái, không được ham an nhàn, sống xa hoa, lười biếng.
Trong “Giới chất Thành Vương”, Chu Công một lần nữa giáo huấn Chu Thành Vương phải tu thân, kính đức, tránh xa hoa dâm đãng, ghi nhớ bài học nhà Ân Thương vì thất đức mà mất nước.
Chu Công đã sớm ý thức được rằng vận mệnh thịnh suy của đất nước, cuộc sống nghèo khổ hay đầy đủ của dân chúng đều là nằm trong tay Thiên tử. Cho nên ông giáo dưỡng Chu Thành Vương, cả việc trị quốc an bang và tu dưỡng phẩm đức cá nhân. Vì thế, Chu Thành Vương cuối cùng lớn lên thực sự đã trở thành một vị minh quân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Chuyện Phạm Trọng Yêm giáo dục cả bốn con thành người tài đức
Mời xem video :