Chuyện chiêng và làng Tây Nguyên

Chia sẻ Facebook
30/06/2023 08:17:55

Giờ, cái làng vẫn luôn được coi là Kon Tum nhất ấy, nó thành một góc phố hết sức chật chội đông đúc và lộn xộn.


Kon Rơ Bàng, ngôi làng Bahnar ở thành phố Kon Tum một thời là nơi khách rất thích tới thăm. Nó là một ngôi làng Bahnar tiêu biểu tồn tại giữa phố thị. Thành phố Kon Tum có một địa thế tuyệt đẹp khi có con sông Đăk Bla viền quanh (giờ mở rộng thành phố về phía Nam, nó thành con sông chảy giữa thành phố rồi nên càng đắc địa hơn nữa). Làng Kon Rơ Bàng này nằm ngay rìa sông, có cái nhà rông rất đẹp, thành biểu trưng của Kon Tum một thời. Làng này có rất nhiều ông rể người... Pháp, Pháp xịn, ghé chơi rồi thích cảnh thích người, thế là làm rể. Ở làng thì như người làng, cũng địu con đi lang thang trong làng, cũng ngồi bên bếp đen nhẻm, cũng ăn món ăn Bahnar... khi đưa vợ về quê, Paris chẳng hạn, xem ảnh thì thấy như là các ông rể và cả các cô gái Bahnar làng này lột xác: bàn ăn trắng muốt, vườn cỏ xanh, ăn bằng dao nĩa...


Nhưng tôi vừa lên lại, nó khác lắm rồi.


Giáo sư Đào Tuấn Ảnh đi cùng tôi kêu lên: Hình như mật độ dân số đông hơn cả phố cổ Hà Nội, nhà chật chội hơn chỗ chật nhất của phố cổ nữa.

Hoạt động "Cồng chiêng cuối tuần". Ảnh: Văn Công Hùng


Kon Tum có mấy điều để nó luôn là... Kon Tum. Một là bản thân sắc thái cư dân bản địa rất rõ. Hai là nó được người Pháp quy hoạch khá bài bản. Khi Gia Lai Kon Tum đang cùng một tỉnh, thì Pleiku có vẻ được phát triển hơn, đến khi tách ra, mới biết té ra Kon Tum nó vững bền hơn. Đô thị Pleiku do người Mỹ quy hoạch để thành một đô thị phục vụ chiến tranh... Kon Tum êm đềm và có chiều sâu hơn, mang dáng dấp đô thị cổ, kiểu kiến trúc Pháp với nhà vườn. Thời bao cấp khó khăn nhất, người Kon Tum vẫn trồng hoa hồng trong vườn và chơi dương cầm. Thêm nữa, Kon Tum xuất hiện Thiên Chúa giáo khá sớm, có nhà thờ gỗ nổi tiếng, tòa giám mục, vân vân... nó khiến cho đời sống tinh thần của dân có vẻ yên ổn thanh bình hơn.


Khoảng một năm trở lại đây, ở một góc cái quảng trường Đại đoàn kết của thành phố Pleiku, vào thứ bảy hàng tuần, có một hoạt động diễn ra, là “Cồng chiêng cuối tuần”.

Những nữ sinh dù còn rất nhỏ nhưng cũng có thể hát dân ca và chiêng khá thành thục. Ảnh: Văn Công Hùng


Cồng chiêng Tây Nguyên ấy, vốn dĩ sinh ra từ làng Tây Nguyên, gắn với làng và chỉ với làng. Mà làng Tây Nguyên thì luôn gắn với rừng, trong một mối quan hệ khăng khít, tương hỗ và vì nhau, biết ơn nhau.


Nhưng giờ làng Tây Nguyên khác lắm rồi. Khác mọi nhẽ, tất nhiên có nhẽ theo quy luật và có nhẽ bị cưỡng bức. Vậy nên cái không gian dành cho văn hóa bản địa Tây Nguyên ấy, không gian cho chiêng ấy, nó bị thu hẹp hoặc... biến mất. Một thời bà con bán chiêng như bán đồ đồng nát. Gần đây ý thức giữ gìn trao truyền có được khơi lại. Nhưng ví dụ chiêng ấy, chơi ở đâu và chơi lúc nào ở làng cũng là vấn đề.


Thế là một nhóm cán bộ văn hóa Gia Lai, yêu và hiểu văn hóa Tây Nguyên nghĩ cách. Họ đẻ ra cái “Cồng chiêng cuối tuần” để cùng làm thỏa mãn mấy điều: Một là có nơi để chơi, để sinh hoạt văn hóa cho người phố cuối tuần. Hai là để giới thiệu cồng chiêng đúng nghĩa cho du khách. Ba là, điều này quan trọng: để bà con có ý thức về cái món “đặc sản” của mình. Để có thể được mời lên phố chơi họ phải ôn luyện, phải truyền nhau, phải gìn giữ...


Không dễ để làm, bởi như đã nói, chiêng chỉ gắn với làng, cái không gian làng là nơi để chiêng cất tiếng và lan tỏa. Lâu nay người ta mang chiêng lên phố theo kiểu cưỡng bức, những là sân khấu, những là ánh sáng, những là diễn viên khán giả, những là thi thố... thì giờ may thay, ở cái góc quảng trường ấy, có một nơi nhiều cây, như rừng. Thế là mời bà con lên đấy, không thi thố, không biểu diễn, không tăng âm, không sân khấu... bà con cứ chơi như đúng ở làng, và cũng không có khán giả, mà mọi người xung quanh đều tham gia vào. Nó chưa được, không phải như ở làng, nhưng cũng là một cách khả dĩ trong hoàn cảnh thực tại, để chiêng tồn tại và kế tục. Quan sát các hoạt động chiêng ở đây, rất mừng là các cháu học sinh người Bahnar, Jrai rất đông. Có cháu mới 6, 7 tuổi nhưng đã xoang (múa), hát dân ca và chiêng khá thành thục...


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook